• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Những dự án BĐS đình đám năm 2010

Khu đô thị Nam Láng Hòa Lạc rộng gần 900 ha

Dự án gồm công trình nhà ở, trung tâm thương mại, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, sân golf 36 lỗ. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) dự tính vào khoảng 6.500 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Nam Láng Hòa Lạc nằm trong khu vực dự kiến phát triển đô thị sinh thái và hành lang xanh dọc tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình đã được đề xuất trong hồ sơ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án Khu phức hợp giải trí Happyland - Long An

Happyland được xây dựng trên diện tích gần 700 ha với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An làm chủ đầu tư.

Dự án gồm khu công viên, trung tâm thương mại, khách sạn 3-5 sao, công viên nước, vũ trường, chợ nổi, trung tâm văn hóa Việt Nam, khu đô thị liền kề.  Dự kiến sẽ khởi công vào tháng 1/2011 và hoạt động vào năm 2014.

Việc triển khai dự án đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần tôn tạo, duy trì cảnh quan của sông Vàm Cỏ Đông.

Khoảng 1,4 tỷ USD xây đô thị sinh thái ở Phú Thọ

Tháng 6/2010, Công ty Việt Hân đã công bố dự án Khu đô thị Sinh thái Du lịch Nghỉ dưỡng Thể thao Tam Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Khu đất xây dựng dự án nằm ở trung tâm huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), cách Hà Nội khoảng 60 km. Dự án có tổng diện tích 2.050 ha đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/1.

Theo quy hoạch, dự án khu đô thị sinh thái này có một sân gofl 36 lỗ chiếm 351 ha với tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho các giải thi đấu của châu Á và thế giới. Khu biệt thự cao cấp chiếm 622 ha có phòng tắm hơi, nơi vui chơi giải trí, phòng massage.

Khu nghỉ dưỡng chiếm 242 ha, còn lại các trung tâm đô thị chiếm 115 ha, khu công viên vui chơi 86 ha, khu phức hợp thể thao rộng 105 ha. Khu casino chiếm 101,37 ha và trường đua ngựa rộng 137 ha sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời nhằm hiện đại hóa quốc gia. Dự án sẽ được hoàn thành trong khoảng 10 năm.

Khu đô thị Phố Nối, Hưng Yên

Đầu tháng 12/2010, UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức công bố quy hoạch chi tiết (1/500) phân khu A, khu đô thị Phố Nối, Hưng Yên.

Dự án có quy mô 300 ha, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát trực tiếp làm chủ đầu tư, thuộc thị trấn Bần và toàn bộ diện tích các xã Nhân Hòa, xã Phan Đình Phùng (huyện Mỹ Hào).

Trước đó, đầu cuối năm 2003, dự án phân khu A, thuộc khu đô thị Bắc quốc lộ 5 đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 1496/CP-NN.

Theo đó, Chính phủ chấp thuận cho UBND tỉnh Hưng Yên được sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong vòng 15 năm được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1sẽ xây dựng trên diện tích 123,8 ha. Giai đoan 2 trên diện tích 68,72 ha, còn giai đoạn 3 khoảng trên 100ha.

Ngay sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 60% của giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2. Ước tính tổng mức đầu tư cho riêng phần hạ tầng kỹ thuật khu đô thị dự kiến là 3.989 tỷ đồng.

Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ

Tháng 10/2010, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội  vừa công bố và bàn giao hồ sơ bản vẽ khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ cho Công ty Vinaconex – Viettel tiếp nhận và triển khai.

Dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ có quy mô 280 ha nằm ở vị trí phía Tây Nam thành phố, với nhiều loại hình nhà ở, công trình công cộng, dịch vụ tiện ích…

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2010, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chính thức chấp thuận việc xây dựng khu đô thị mới tại xã Tây Mỗ - Đại để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của Thủ đô, tăng nguồn cung nhà ở phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Dự kiến, khu đô thị trên sẽ được chủ đầu tư khởi công trong năm 2011.

Dự án khu đô thị sinh thái Thủy Tú – Đà Nẵng

Công ty Cổ phần Bất động sản Trung Nam (Trung Nam Land) đã khởi công dự án khu đô thị sinh thái Thủy Tú tại Đà Nẵng tháng 11/2010.

Dự án nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), thành phố Đà Nẵng. Với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD, nằm trên diện tích 328 ha xây dựng và gần 300 ha mặt nước.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành sau 3 năm kể từ ngày khởi công và là trở thành một dự án trọng điểm trong quy hoạch tổng thể đô thị của thành phố

Khu vui chơi, giải trí, thể thao - sân golf quốc tế Sóc Sơn

Ngày 9/3, Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội đã khởi công khu vui chơi, giải trí, thể thao - sân golf quốc tế Sóc Sơn.

Dự án có tổng đầu tư 100 triệu USD, trên diện tích 284 ha, được chia thành 2 khu. Khu 1 gồm 68,86 ha dành cho dịch vụ công cộng và cụm biệt thự hồ Đồng Đẽn với khách sạn, biệt thự, công viên cây xanh và khu vui chơi giải trí.

Khu 2 là sân golf quốc tế và khu biệt thự cao cấp cho thuê trên diện tích 88,45 ha, nằm cạnh đền Sóc. Khu 2 mở rộng 126,684 ha dành cho sân golf 18 lỗ tại các xã Hồng Kỳ và xã Phù Linh (Sóc Sơn).

Khu đô thị sinh thái Long Biên

Tháng 11/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án Khu đô thị sinh thái tại các phường Phúc Lợi, Việt Hưng, Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
 
Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 183,645 ha nằm trong Khu đô thị Công viên phần mềm Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm các hạng mục như: Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, trong đó bao gồm cả các công trình cây xanh, sân vườn, đường dạo. Xây dựng kinh doanh các công trình công cộng, các công trình hỗn hợp nhà ở cao tầng; Các công trình nhà ở thấp tầng, biệt thự; Các công trình dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ phụ trợ và các công trình trường học, trường mầm non, bệnh viện. Dự kiến thời gian thực hiện từ quý I/2011 đến quý IV/2015.

Dự án sân golf khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn 182ha

Sáng 17/11, Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn đã tổ chức giới thiệu dự án sân golf - khách sạn Hoàng Đồng với nhà đầu tư tại Hà Nội.

Dự án có quy mô hơn 180 ha, tại trung tâm thị trấn Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, với tổng vốn đầu tư được giới thiệu là lên tới 2 tỷ USD.

Dự án sân golf - khách sạn Hoàng Đồng cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 12 km, cách thủ phủ tỉnh Quảng Tây 220 km và cách Thủ đô Hà Nội 150 km. Đặc biệt, từ khu đô thị này có thể đi bằng đường bộ đến thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2013.

Resort 4,5 tỷ USD tại Ninh Thuận

Dự án Khu du lịch tổng hợp cao cấp Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận được xếp vào hàng khủng khi số vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD. Dự án gồm các hạng mục nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp, giải trí tổng hợp quy mô lớn, khu công trình công ích... Đặc biệt khu du lịch này còn có sân golf Mũi Dinh thuộc danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Dự án được triển khai trên diện tích 1.500 ha, do Công ty Polo Beach International Limited (Hong Kong) làm chủ đầu tư. Các hồ sơ xác nhận năng lực tài chính của chủ đầu tư đã được gửi đến Bộ Xây dựng xem xét.

Bộ Xây dựng đánh giá, trước mắt nên xem xét cho phép nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư cho diện tích 700 ha đất (diện tích đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận). Việc đầu tư mở rộng dự án giai đoạn tiếp theo (diện tích 800 ha) được xem xét sau khi đánh giá hiệu quả đầu tư của giai đoạn một.

Dự án 4 tỷ USD ở Quảng Nam

Ngay sau khi khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng có vốn đầu tư 4,15 tỷ USD bị hồi giấy phép đầu tư, tỉnh Quảng Nam lập tức có một dự án khổng lồ khác thay thế. Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An do Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital làm chủ đầu tư được đánh giá ngang ngửa với Bãi biển rồng khi vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.

Dự kiến, chủ đầu tư sẽ xây các hạng mục khách sạn, khu resort, biệt thự và khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Riêng hoạt động vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài được bố trí trong khu khách sạn 5 sao.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, để cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định.

Hơn 1 tỷ USD xây tòa nhà 102 tầng tại Hà Nội

Tháng 5/2010, Tập đoàn Đại Dương và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí PVC đã ký hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam PVN Tower.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, PVN Tower được thiết kế cao 102 tầng, có khả năng vượt qua chiều cao của Keangnam - tòa nhà được coi là cao nhất Việt Nam hiện nay với 70 tầng.

PVN Tower dự định sẽ lựa chọn một trong ba kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, gồm: Kiến trúc sư César Pelli, người Argentina, đã thiết kế tòa tháp đôi Petronas (Malaysia) cao 452m; Kiến trúc sư Adrian Smith, người Mỹ, đã thiết kế tòa tháp Dubai cao nhất thế giới - cao 828m (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất); Kiến trúc sư Karl Fender, người Australia, đã thiết kế tòa tháp Eureka (cao nhất Australia).

Tập đoàn Dầu khí đang cạnh tranh với VietinBank ngôi vị cao nhất Việt Nam khi công bố chiều cao lên đến khoảng 400 m. Tuy nhiên, ngôi vị này vẫn chưa được đổi chủ vì PVN Tower vẫn chưa được khởi công.

Tòa tháp Vietinbank soán ngôi Keangnam trong cuộc chạy đua cao nhất VN

Mặc dù có số tầng thấp hơn nhưng VietinBank Tower vẫn được xếp vào công trình cao nhất Việt Nam (362 m) vượt qua Keangnam (cao 345 m). VietinBank Tower có vốn đầu tư 400 triệu USD, với tổng diện tích sử dụng 300.000 m2.

Tổ hợp bao gồm 2 tòa tháp, được liên kết với nhau bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng ăn uống. Trên nóc khối nhà 7 tầng là vườn cây cảnh trang trí.

Tháp thứ nhất, cao 68 tầng, được thiết kế để tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ, sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai, với 48 tầng, sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, dịch vụ spa và căn hộ cao cấp cho thuê. Điểm nhấn của tòa tháp thứ hai là “quán bar kim cương” - điểm đến cho những bữa tối mang phong cách hoàn toàn mới trên nóc của tòa nhà.

Dự án được động thổ vào ngày 20/10 với sự tham gia của nhà thầu danh tiếng Foster & Partners. Công ty Turner đóng vai trò tư vấn giám sát. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013 đầu năm 2014.

(Theo Vnmedia)

  • 0
  • By Admin
  • 21/12/2010
  • 17