Những dự án BĐS đi ngược xu thế của thị trường
Phối cảnh một góc dự án Lê Văn Lương Residentials |
Thực tế này cũng không phải là một điều gì đó quá bất ngờ hay lạ kỳ bởi nó có thể diễn ra với bất kỳ hoạt động kinh doanh, mua bán nào. Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư bất động sản tò mò xen lẫn nể phục là tại sao một số chủ đầu tư lại có thể tìm kiếm được lợi nhuận khá dễ dàng trong khi hàng loạt các dự án khác dở khóc, dở mếu vì vắng khách.
Không phải ai cũng ế
Theo khảo sát của người viết, tại thị trường Hà Nội có rất nhiều dự án như Nam Trung Yên, Usilk City, khu vực Nam An Khánh, Parkcity, Mulberry Lane (Hà Đông), Làng Việt Kiều châu Âu... đều rơi vào tình trạng giao dịch ảm đạm, thưa thớt.
Chính tình trạng ảm đạm tại hầu hết các dự án có tên tuổi đã phần nào nói lên được thực tế của thị trường trong suốt nhiều tháng qua. Giao dịch ế ẩm đã khiến nhiều chủ đầu tư phải tung ra vô số những “chiêu” nhằm kích cầu tại các dự án như giảm giá, khuyến mại, tặng quà nội thất, mở bán ngày đặc biệt...
Thế nhưng, trong bối cảnh “cả làng” cùng khó khăn, vẫn có những dự án mà có thể do “tiếng tăm”, do vị trí, thiết kế hay do những cách bán hàng tiếp thị của chủ đầu tư... nên lượng giao dịch không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế hay sự khó tính của khách hàng.
Đại diện Công ty Indochina Land cho hay, trong suốt thời gian thị trường trầm lắng thì công ty này vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở tất cả các dự án bán căn hộ, đồng thời kỳ vọng doanh thu sẽ đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2010.
Ngay cả với những dự án bán lẻ, văn phòng, resort và căn hộ dịch vụ mà công ty này đang vận hành, tỉ lệ lấp đầy, công suất thuê vẫn ở mức tốt, nhiều hợp đồng mới được ký kết, nhiều khách thuê cũ có nhu cầu mở rộng địa điểm, các dự án resort luôn có tỉ lệ lấp đầy phòng cao.
Trước những thành công vượt ngoài mong đợi của lĩnh vực bất động sản, Tổng giám đốc Indochina Capiatal, Peter Rider cho biết tập đoàn này vừa quyết định rót thêm 180 triệu USD vào bất động sản bằng việc công bố đóng Quỹ bất động sản thứ 3 của tập đoàn.
Lãnh đạo Indochina Capital cũng cho rằng, vì những biến động của kinh tế vĩ mô, và vì người mua cũng đã trở nên kĩ tính hơn với các quyết định mua sản phẩm của mình, nên có thể nói 2010 không phải là một năm sôi động với thị trường bất động sản Việt Nam.
Thế nhưng, ngay cả trong bối cảnh này, Indochina Land vẫn “kiếm được” 21,5 triệu USD từ việc bán tất cả các dự án chỉ trong vòng 2 quý cuối năm.
Riêng đối với dự án Indochina Plaza Hà Nội, nếu tính cả 2 tháng mở bán cuối năm 2009, chỉ với 390 căn hộ dự án này đã mang về cho tập đoàn này hơn 65 triệu USD.
Không chỉ ở thị trường Hà Nội, một dự án khác của Indochina Capital là Hyatt Regency Đà Nẵng Resort and Spa vẫn đang chiếm ưu thế với doanh thu bán hàng lên tới 72,5 triệu USD, dù dự án vẫn còn một lần chào bán dự kiến đầu năm 2011.
Ngoài ra, một số dự án khác của Indochina Capital ở phía Nam như Six Senses Côn Đảo, Khu phức hợp Saigon South Residences... cũng gặt hái được nhiều thành công nhờ danh tiếng và cách bán hàng của chủ đầu tư.
Không chỉ Indochina Capital thành công trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm vì vắng bóng người mua. Trong hai tháng cuối năm 2010, dường như những ai quan tâm đến bất động sản cũng đều biết đến “hiện tượng Nam Cường” tái xuất tại dự án Lê Văn Lương Residentials thuộc khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội do tập đoàn này làm chủ đầu tư.
Vào cuối tháng 10/2010, trong lần mở bán thứ nhất hơn 100 căn hộ CT7D, chỉ sau 3 giờ mở bán, 100% căn hộ đã được bán hết trong sự tiếc nuối của những người đăng ký từ rất sớm nhưng không mua được.
Rồi đến 2 lần mở bán tiếp theo trong tháng 11, do số người đăng ký lớn hơn nhiều số căn hộ bán ra, tập đoàn này đã phải áp dụng lại chiêu thức “bốc thăm quyền mua căn hộ” vốn đã mang lại thành công và cả “danh tiếng” cho Nam Cường từ hồi cuối năm 2009.
“Thành công vượt cả ngoài mong đợi chính là minh chứng rõ ràng nhất phản bác lại những tin đồn ác ý của dư luận cho rằng Nam Cường sắp phá sản sau sự ra đi của vị chủ tịch một năm trước", lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường tâm sự.
Thành công do đâu?
Có thể nói, thành công của Indochina Capital và Nam Cường hay một vài dự án nhỏ lẻ khác đã khiến không ít chủ đầu tư và giới kinh doanh bất động sản phải “ghen tị”. Thậm chí, người viết đã từng chứng kiến lãnh đạo của một tổng công ty nhà nước lớn đã phải buông ra những lời lẽ khiếm nhã khi xem truyền hình đưa tin chung cư Nam Cường “cháy hàng” trong khi dự án ở ngay đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) của ông quảng bá đủ mọi cách vẫn chỉ bán được 10% số căn hộ sau 4 - 5 tháng.
Tất nhiên, vị này cũng đã và sẽ tìm hiểu xem vì sao “người đắt, ta ế” và trong câu chuyện với tác giả, dù không nói ra nhưng ai cũng biết cái không may xen lẫn sai lầm của doanh nghiệp này là đã cho thiết kế căn hộ vượt quá khả năng chi trả của số đông người dân.
Đã thế, tâm lý người Việt vốn đã không ưa mua hàng của những người bán nghiệp dư thì tất yếu sẽ không mấy người dám mang cả tỷ đồng để mua nhà của một công ty chỉ chuyên về... điện.
Trong khi đó, chẳng hạn như Tập đoàn Nam Cường, dù là doanh nghiệp tư nhân nhưng nhờ danh tiếng trong làng bất động sản cộng với chiến lược đầu tư hợp lý, nên họ đã thành công với dự án Lê Văn Lương Residentials.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Nam Cường, cho biết trong số hàng nghìn căn hộ của doanh nghiệp này thì có đến 70% có diện tích từ 55 - 80 m2, với mức giá vừa phải (21,5 triệu đồng/m2) nên dù là để ở hay đầu tư thì nhìn chung đó là mức giá phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
Trong khi đó, theo người mua, trong bối cảnh nhiều dự án bị chủ đầu tư thực hiện sai cam kết, có dấu hiệu lừa đảo... thì căn hộ của Nam Cường vẫn đắt hàng là bởi doanh nghiệp này đã khá khéo “lấy lòng” khách hàng bằng việc quy định giá bán bằng VND và cho theo dõi trực tiếp trạng thái các căn hộ (đã đặt cọc và số căn hộ còn lại) trên bảng điện tử và trên các bảng niêm yết nên ít nhiều cũng đã tạo được lòng tin nơi khách hàng.
Còn với thành công của Indochina Capital thì lại khác. Do có tiềm lực về tài chính nên tập đoàn này đã xác định ngay phân khúc cao cấp là đích đến khi quyết định rót vốn vào bất động sản Việt Nam.
Tổng giám đốc Peter Rider cho biết, dù nhu cầu về bất động sản cao cấp ở Việt Nam là nhỏ hơn phân khúc trung bình, giá rẻ, song điều đó không có nghĩa là không thể kinh doanh được. Thành công của Indochina Capital là đã xác định “sang thì sang hẳn” chứ không kiểu nửa vời như một số chủ đầu tư khác.
Thế nên, ngay cả với những biệt thự trị giá lên tới 800 nghìn USD, tập đoàn này cũng đã bán thành công hơn một nửa chỉ sau một vài lần mở bán.
Tất nhiên, Tổng giám đốc Indochina cũng tiết lộ, do thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng ở tất cả các phân khúc, nên để tranh thủ gặt hái lợi nhuận, trong năm tới, tập đoàn này sẽ quyết định san sẻ một ít vốn sang một số phân khúc khác.
(Theo NDHMoney)
- 0
- By Admin
- 11/01/2011
- 17