Những đòi hỏi mới với ngành Thép, Xi măng
Dự thảo lần thứ 3 về xây dựng “Biểu giá bán lẻ điện” của Bộ Công Thương xác định giá điện bán cho ngành Thép và Xi măng cao hơn các ngành khác từ 2-16% đối với từng loại sản phẩm.
Tại cuộc tọa đàm “Để ngành Thép, Xi măng phát triển bền vững” do Báo Công Thương tổ chức ngày 24/7, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi nhận xét đây là cách áp giá không công bằng, thiếu thuyết phục.
Theo ông Nghi, ngành Thép Việt Nam hiện nay tiêu thụ nhiều điện ở khâu sản xuất phôi thép, khoảng 450-500 kW/tấn sản phẩm, chiếm từ 5-5,5% trong tỷ suất giá thành. Trước đây, có những năm chúng ta phải nhập khẩu phôi thép tới 70-80%, mất một nguồn ngoại tệ lớn. Khi Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư vào sản xuất phôi thép thì hiện nay chúng ta đã đáp ứng được 100% sản xuất phôi thép trong nước. Điều này vừa giảm ngoại tệ nhập khẩu vừa tạo được việc làm.
Ảnh minh họa |
Giờ nếu tăng giá điện, sẽ trái với khuyến khích của Chính phủ, vì thép là ngành đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất. Tăng giá điện sẽ làm tăng thêm đầu vào của thép và xi măng trong khi đầu ra không tăng, thậm chí còn giảm, sẽ gây khó khăn cho DN và nền kinh tế.
Với ngành Xi măng, theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Nguyễn Văn Thiện, trong cơ cấu giá xi măng Việt Nam thì nhiên liệu và năng lượng chiếm 45-50%. Nếu tính bình quân thì giá điện chiếm 15-17% trong giá thành xi măng. Mức tiêu hao điện hiện nay của xi măng Việt Nam khoảng 90-100 kWh/tấn. Đây là mức tiêu thụ tiêu hao trung bình tiên tiến so với các nước trên thế giới.
Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết: Trong tổng số 70% điện năng bán ra thị trường trong ngành công nghiệp, ngành Thép và Xi măng chiếm tỷ lệ lớn. Theo ông Ngãi, hiện nay giá điện bình quân là 1.600 đồng/kWh; giá điện trong tương lai gần sẽ tăng từ 6.200 đồng/kWh lên tới 8.000- 9.000 đồng/kWh. Nếu không đủ công nghệ và trang thiết bị, các ngành như Thép và Xi măng sẽ khó lòng trụ vững.
Vì vậy, ông Ngãi cho rằng để đảm bảo phát triển lâu dài, ngành Thép và Xi măng cần có giải pháp về đổi mới công nghê, thực hiện tái cơ cấu, quan tâm tiết kiệm năng lượng để giảm giá thành sản phẩm. Chẳng hạn ngành Xi măng cần đầu tư thiết bị tận dụng nhiệt khí thải từ quá trình xử lý chất thải cũng đáp ứng được 15% lượng điện. Còn với ngành Thép, cần tổ chức lại, đầu tư công suất cỡ 1 triệu tấn/năm trở lên. Công suất cao, công nghệ mới sẽ giảm tiêu hao năng lượng.
Tại tọa đàm, đại diện Bộ Công Thương, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết: Từ năm 2013 trở đi Bộ Công Thương sẽ không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.
Ông Chuyện khẳng định muốn hay không muốn giá điện cũng phải tăng.
Với lộ trình thay đổi công nghệ và dần xóa bỏ công nghệ lạc hậu thì đến năm 2020 với ngành Thép, công nghệ lạc hậu phải được loại bỏ, thay vào đó là sử dụng công nghệ tiên tiến. Nếu các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu thì việc “bị loại khỏi thương trường” là tất yếu vì không cạnh trạnh được.
- 233
- By Admin
- 25/07/2013
- 17