Những điều chưa biết về sổ đỏ và sổ hồng
Năm 2009 mới có giấy chứng nhận thống nhất cho cả đất đai và tài sản gắn liền có màu cánh sen. Ảnh minh họa |
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 1993 giao cho Tổng cục Địa chính cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và khi đó Tổng cục Địa chính thiết kế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDD) có màu đỏ như màu cờ.
Một năm sau (tức năm 1994), Nghị định 60CP của Chính phủ lại giao cho Bộ Xây dựng cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở và đất ở tại đô thị. Khi đó, Bộ Xây dựng thiết kế Giấy chứng nhận này màu hồng.
Luật Đất đai 2003 lại quy định giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường cấp Giấy chứng nhận thống nhất cho cả quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Lúc này, Bộ tài nguyên Môi trường tiếp tục thiết kế giấy chứng nhận này màu đỏ.
Năm 2005, Luật Nhà ở lại quy định giao cho Bộ Xây dựng cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở và đất ở và Bộ Xây dựng lại thiết kế mẫu giấy màu hồng.
Bốn năm sau đó, Quốc hội quyết định thống nhất một loại giấy chứng nhận cho cả đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến xây dựng cơ bản, giao cho Bộ tài nguyên Môi trường thiết kế và ban hành mẫu giấy này.
Theo đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đã thiết kế và ban hành Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất có màu hồng cánh sen.
Như vậy, từ năm 1993 - 2009, nước ta đã sử dụng 2 mẫu giấy màu đỏ và 2 mẫu giấy màu hồng, tới năm 2009 mới có giấy chứng nhận thống nhất cho cả đất đai và tài sản gắn liền có màu cánh sen.
Trên thực tế, những chuyên gia nước ngoài, tổ chức quốc tế và giới văn học trong nước vẫn gọi chung là sổ đỏ (tên tiếng Anh là Red book).
- 484
- By Admin
- 15/07/2016
- 17