Những điều cần lưu ý để tránh rắc rối khi mua nhà, đất...
Mua nhà tám năm, vẫn bị buộc trả lạiBà T.T.T. qua đời để lại 2 căn nhà cho 10 người con. Tất cả thống nhất giao một căn cho một người con ở để thờ cúng cha mẹ. Chín người con khác ở chung trong căn nhà còn lại. Năm 2000 vì kế sinh nhai, mọi người đi làm ăn tứ tán, chỉ còn ông T. và một người em ở lại nhà.
Năm 2001, ông T. bán căn nhà cho vợ chồng bà X. với giá trên 10 cây vàng, mua bán bằng giấy tay, chỉ có ông T. và 3 người em ký vào đó. Năm 2003, bà X. được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Tuy nhiên, sau đó người em út đại diện cho các anh chị mình khởi kiện ông T., yêu cầu tòa án công nhận căn nhà và đất nói trên là di sản thừa kế và hủy hợp đồng mua bán nhà.
Tám năm sau khi mua nhà, vợ chồng bà X. vẫn bị tòa án tuyên xử hủy hợp đồng mua bán, buộc phải giao lại căn nhà cho những người thừa kế. Ngày 15 và 16-10-2009, tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, hội đồng xét xử nhận định hợp đồng mua bán nhà giữa ông T. và bà X. chỉ xác lập bằng giấy viết tay là chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật về mua bán nhà.
Mặt khác, căn nhà là di sản thừa kế của 10 người, việc 4 người tự ý định đoạt căn nhà trên là vi phạm quyền sở hữu tài sản trong khối tàn sản chung. Như vậy, hợp đồng mua bán nhà nói trên vô hiệu cả về hình thức lẫn nội dung.
Chú ý khi mua nhà của người ly hôn
Để hạn chế việc tranh chấp Người mua cần chú ý mấy điểm sau: - Trước hết phải xác định người bán nhà có đúng là chủ sở hữu hay không bằng giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Nếu nhà có nguồn gốc là di sản phải tìm hiểu xem những người đồng thừa kế có tranh chấp hay không. - Nếu nhà là tài sản chung, thì phải biết rõ rằng những người đồng sở hữu cũng đồng ý bán. - Việc mua bán bắt buộc phải qua thủ tục công chứng. LS TRầN THANH PHONG(Đoàn luật sư TP Cần Thơ) |
Năm 2004, chị N.N.G. và anh L.T.N. kết hôn. Hai năm sau họ ly hôn. Tại phiên tòa, họ không yêu cầu giải quyết việc chia tài sản là căn nhà mua trong thời kỳ hôn nhân. Năm 2007, anh N. bán căn nhà cho ông L.P.H.. Do ở xa nên chị G. không hay biết, mãi đến năm sau khi chị G. gặp khó khăn tìm anh N. thương lượng chuyện bán nhà thì mới vỡ lẽ.
Anh N. cho rằng căn nhà do công của anh nên anh có quyền bán, nếu chị muốn anh sẽ chia một số tiền. Chị G. đòi anh phải chia đôi, anh N. không đồng ý, do đó chị G. tìm gặp ông H. yêu cầu ông trả lại nhà.
Ông H. không chịu nên chị G. kiện. Tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP Cần Thơ, anh N. trình bày rằng vợ anh chỉ ở nhà lo cơm nước, một mình anh đi làm mới mua được căn nhà nên anh có quyền quyết định. Còn ông H. cũng nói rằng khi mua nhà anh N. quả quyết với ông rằng nhà đó của riêng anh ta, bởi thế ông mới mua.
Hội đồng xét xử phân tích căn nhà mà khi ly hôn hai vợ chồng không yêu cầu chia thì đến nay vẫn là tài sản chung, anh N. không thể bán nếu không có sự đồng ý của chị G.. Vả lại việc mua nhà qua giấy tay, không lập thành hợp đồng, không có công chứng hoặc chứng nhận của chính quyền địa phương. Vì vậy tòa phúc thẩm tuyên căn nhà là của chung chị G. và anh N. và hủy hợp đồng mua bán giữa anh N. và ông H..
Coi chừng nhà có tranh chấp thừa kế
Anh N.H.T. mua một miếng đất 8m x 12m của chị N.N.T.L.. Ngoài tờ giấy tay mua bán còn có tờ photo bằng khoán đất, có chứng thực sao y của chính quyền địa phương. Anh T. cứ nghĩ rằng bên giao tiền bên giao đất là xong, khỏi mất công đóng thuế, khỏi làm nhiều thủ tục “phiền toái”. Rồi đến khi anh T. dự định cất nhà thì ông T.V.D. - cha chồng của chị L. - xuất hiện.
Ông D. khởi kiện chị L. yêu cầu tòa án công nhận miếng đất trên là di sản của con trai ông và hủy hợp đồng mua bán đất.
Trong phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP Cần Thơ, hội đồng xét xử phân tích miếng đất nói trên là công sức hai vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Khi người chồng mất thì 1/2 miếng đất thuộc về vợ, 1/2 là di sản thừa kế của chồng, và sẽ được chia cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm có ông D. và chị L.. Vì thế, một mình chị L. đứng ra bán đất là trái pháp luật.
Mặt khác, việc mua bán đất chưa được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền mà chỉ làm giấy tay nên hợp đồng vô hiệu cần phải được tuyên hủy.
Theo Tuổi Trẻ
- 311
- By Admin
- 08/12/2009
- 17