• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Những đại gia địa ốc "cuốn gói" khỏi thị trường sau cơn bĩ cực

Hoàng Anh Gia Lai rời bỏ thị trường

Thời điểm 2009 -2010 được cho là đỉnh cao của kinh doanh BĐS ở Việt Nam và ngành kinh doanh này đã mang đến nguồn lợi không nhỏ cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Lúc đó, doanh số bán nhà chiếm quá nửa tổng doanh thu của Tập đoàn này.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng sâu rộng của thị trường địa ốc Việt Nam năm 2011 đã khiến tập đoàn "sừng sỏ" một thời với 15 công ty con và liên kết, đầu tư hàng chục dự án căn hộ, văn phòng cũng như đất nền tại nhiều thành phố lớn đành chọn cách rời bỏ thị trường, chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp với các ngành chính là cao su, mía đường tại Lào, Campuchia. Riêng lĩnh vực BĐS được tập đoàn này định hướng tại Myanmar và Thái Lan.

dự án BĐS
Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên rút khỏi các dự án BĐS trong nước

Tại thời điểm đó, bước đi của bầu Đức được đánh giá là khá khôn ngoan vì đã nhanh chóng "thanh toán" được đống tồn kho trong nước để chuyển sang đầu tư các lĩnh vực khả thi hơn.

Có thể thấy tầm nhìn xa của bầu Đức, khi giờ đây Myanmar trở thành một "mỏ vàng" của HAGL. Kể từ khi Myanmar chính thức được Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 2011 và mở cửa, giá nhà đất tại quốc gia này đã tăng chóng mặt. Quyết định đầu tư vào Myanmar tại thời điểm BĐS nước này đang ở chu kỳ bùng nổ cũng nhanh nhẹn và quyết đoán như quyết định kinh doanh cao su và mía đường của HAGL.

Hiện tại, dù không con tham gia thị trường BĐS Việt Nam nhưng HAGL đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường BĐS Myanmar với dự án HAGL Myanmar Center.

Không những thế, Tập đoàn này còn sở hữu nhiều dự án khác như chăn nuôi (bò sữa, bò thịt), mía đường, dầu cọ… đóng góp khá lớn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong một vài năm tới.

Hòa Phát không thiết tha BĐS

Tập đoàn Hòa Phát là ông lớn tiếp theo quyết định rời bỏ thị trường BĐS ngay sau Hoàng Anh Gia Lai. Theo báo cáo quý I/2014, Tập đoàn Hòa Phát vẫn đạt 910 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ kinh doanh thép và doanh thu từ dự án Mandarin Garden. Tuy việc kinh doanh vẫn có lãi nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát - ông Trần Đình Long cho biết, trong dài hạn, Hòa Phát sẽ không đầu tư vào BĐS.

tập đoàn hòa phát
Dù vẫn có lãi nhưng Hòa Phát cũng không còn mặn mà với BĐS

Giống như HAGL, hiện Hòa Phát đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp và coi đây là chiến lược đầu tư dài hạn, theo đó doanh nghiệp này sẽ ưu tiên nhân sự, tài chính cho ngành nghề kinh doanh mới này trong tương lai. Trong đó, phải kể đến việc tập đoàn này đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn một năm, doanh thu dự kiến trong 3 năm có thể đạt 3.000 tỷ đồng.

Nhiều ông lớn khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Prime cũng lần lượt thoái vốn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, trong đó có việc rút hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty BĐS như Sài Gòn - Vina, Điện lực miền Trung...

Quốc Cường Gia Lai khốn đốn với BĐS

Mặc dù từng khá nổi tiếng trong ngành BĐS nhưng hiện tại, doanh thu từ hạng mục này đang ngày càng teo tóp trong khoản doanh thu hàng năm của Quốc Cường Gia Lai (QCGL).

Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần từ mảng BĐS mà công ty này thu về chỉ khoảng 42,9 tỷ đồng, tức chỉ bằng khoảng 10% doanh thu bất động sản của cả năm 2014

Thống kê sơ bộ cho thấy, doanh thu từ BĐS QCGL đang giảm dần qua từng năm. Theo đó, tỷ trọng của mảng BĐS đóng góp vào doanh thu hàng kỳ của QCGL cũng ngày càng thấp dần so với mục tiêu đóng góp tới 75% vào doanh thu từ khi doanh nghiệp này chọn BĐS là ngành mũi nhọn.

quốc cường gia lai
Doanh thu từ BĐS của đại gia một thời Quốc Cường Gia Lai ngày càng đi xuống

Kết quả lợi nhuận trước thuế 6 tháng của QCGL chỉ đạt khoảng 4,6 tỷ đồng. Với kết quả này, QCGL mới chỉ hoàn thành được 5,1% kế hoạch cả năm đề ra. Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ mới đây, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng thủy điện để làm bệ đỡ cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đại gia BĐS lâm vòng lao lý

Trong giai đoạn thị trường rối ren, không ít đại gia BĐS phải hầu tòa vì lừa đảo liên quan đến nhà đất, trong đó gây chấn động nhất là vụ bà Châu Thị Thu Nga - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII bị bắt giữ với cáo buộc là có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Khu chung cư B5 - Cầu Diễn. Số tiền lừa đảo tại dự án này lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến bà Nga cùng nằm trong danh sách các đại gia vắng bóng trên thị trường địa ốc.

đại gia BĐS
Bà Châu Thị Thu Nga bị hầu tòa về tội danh liên quan đến lừa đảo dự án BĐS

Nhiều đại gia khác hiện cũng bị tòa án phán xét với tội danh tương tự như ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Chủ tịch Công ty Vina Megastar. Ông này đồng thời là chủ đầu tư của rất nhiều dự án BĐS tại Hà Nội đã bị bắt giữ về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Theo đó, để gom tiền đầu tư vào các dự án lớn của công ty mình, ông Long đã thế chấp các dự án cho nhiều ngân hàng lớn để được vay vốn; đồng thời, huy động số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng từ khách hàng trong khi dự án không được triển khai. Nhưng khách hàng đã trót đầu tư vào dự án này đang đứng trước nguy cơ trắng tay.

Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cũng mới bắt giữ ông Trần Ứng Thanh, TGĐ Công ty CP vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) để điều tra về tội lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 200 tỷ đồng của hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.

Theo đó, Công ty Hồng Hà được cho phép mua 50 căn hộ chung cư và phía UBND Q.Hoàn Kiếm cũng đồng ý về nguyên tắc cho phép công ty này dùng 15% số căn hộ trên tổng dự án mà công ty bỏ vốn đầu tư để kinh doanh. Thế nhưng, công ty Hồng Hà đã sử dụng các văn bản trên để rao bán căn hộ của dự án trên mạng Internet và tại các sàn giao dịch BĐS để kiếm lợi bất chính.

  • 0
  • By Admin
  • 11/09/2015
  • 17