Những "cái nhất" nửa vời của thị trường BĐS năm 2010
Từ những "cái nhất" đó, năm 2010 được cho là năm có nhiều “cái nhất” trên thị trường bất động sản cho dù tỷ lệ giao dịch thành công nằm ngoài mong muốn của không ít chủ đầu tư.Nhất... trên giấy
Năm 2010 đã khép lại với vô vàn cảm xúc của giới đầu tư cũng như những ai quan tâm đến thị trường bất động sản. Được cho là năm khá khó khăn với rất nhiều dự án, nhiều đợt mở bán hàng của các chủ đầu tư vì dù sao ảnh hưởng của suy giảm kinh tế năm 2009 vẫn dường như đang đeo bám nhiều nhà đầu tư và ngay cả những người có nhu cầu mua nhà để ở thực sự.
Thế nhưng, với những sự kiện khá “nổi đình nổi đám” mà trong đó phải kể đến là Quy hoạch Thủ đô được công khai, lấy ý kiến, đã mở ra vô vàn hy vọng cho giới đầu tư cũng như toàn thị trường bất động sản về một viễn cảnh “hái ra tiền” khi quy hoạch được chính thức phê duyệt.
Không kỳ vọng sao được khi mà theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Quy hoạch chung Thủ đô là một trong những quy hoạch có quy mô lớn nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Từ ý tưởng, đến kinh phí thực hiện, công việc thực hiện... gần như luôn được gắn với hai từ “đồ sộ”.
Nhưng, đến thời điểm này sau gần một năm đưa ra lấy ý kiến nhân dân, Đồ án vẫn chưa được Thủ tướng và Bộ Chính trị thông qua. Khi mà những kỳ vọng, đợi chờ vẫn còn nguyên đó thì đã có không ít nhà đầu tư đã phải “khóc dở mếu dở” với quy hoạch đồ sộ này, mà điển hình là hậu quả của cơn sốt đất Ba Vì hồi giữa năm.
Rồi nữa, trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm, những tòa nhà chọc trời (dù mới chỉ là trên giấy) đã phần nào xốc lại tinh thần cho giới kinh doanh nhà đất. Liên tiếp các dự án cao 50, 60, 70, rồi 100 tầng và hơn nữa lần lượt được giới thiệu với dân chúng. Chỉ tiếc rằng, ngoại trừ một số dự án đã được triển khai từ những năm trước, còn lại phần đa những nhà chọc trời ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn chỉ là nhà ... “chọc giấy”. Thậm chí có dự án sau hai lần động thổ lại tiếp tục được đắp chiếu, phơi sương.
Nhưng có lẽ sự kiện được cho là đứng đầu trong số những cái nhất trong năm qua chính là những thay đổi trong chính sách liên quan đến thị trường bất động sản. Đó chính là một điều khoản thoạt nghe có vẻ rất nhỏ bé nhưng ý nghĩa lại vô cùng to lớn: “Nghiêm cấm nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng mua bán với khách hàng” trong Nghị định 71/CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 8/8/2010.
Ngay sau khi nghị định ra đời, thị trường bất động sản đã đón nhận và phản ứng rõ rệt. Hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp - lực lượng xưa nay vốn được xem là đội quân chủ lực tạo nên tính thanh khoản trên thị trường - đã tìm đường thoái lui khỏi thị trường với nghĩa vừa bị ép buộc, vừa tự giác vì lo sợ cho những rủi ro sau này.
Mục đích của điều khoản trên ai cũng đã rõ - tạo tính minh bạch và tránh rủi ro cho khách hàng khi tham gia mua nhà, đất tại các dự án, điều mà đã không ít người đã phải nếm trái đắng khi phải qua năm bảy “cầu” nhưng rốt cuộc vẫn tiền mất tật mang.
Nhưng với nhiều chuyên gia (và cả những gì đang diễn ra trên thực tế), những quy định trên nhiều khi cũng chỉ là... nghị định. Còn trên thực tế, để tìm hiểu hay mua được một căn nhà vừa ý với “giá gốc” dường như vẫn đang là một điều gì đó quá xa xỉ đối với nhiều người dân.
Nhất để làm gì?
Lớn nhất, to nhất, hiện đại nhất là những điều mà ai cũng mong muốn nó thuộc về mình và do mình làm ra. Với bất kỳ lĩnh vực nào, nếu nhà đầu tư chỉ cần hội tụ được 2 - 3 “cái nhất” thì coi như đã nắm chắc phần thắng, trong đó quan trọng hơn cả là vốn và thời điểm gia nhập thị trường.
Thế nhưng, lý thuyết đó dường như đã không đúng với thực tế diễn ra trên thị trường bất động sản trong năm qua. Có không ít dự án của nhiều nhà đầu tư mà ở đó hội tụ gần hết các yếu tố tạo nên thành công như vốn, vị trí, thời điểm gia nhập thị trường... nhưng rốt cục dự án bán ra vẫn... ế chỏng vó.
Có những dự án chủ đầu tư đã rót vào đó hằng trăm, hàng tỷ USD như Ecopark, Splendora, Strar City... nhưng việc bán hàng trong năm qua đã khiến phần lớn trong số đó thất vọng. Thế mới biết, nhiều tiền nhất, hiện đại nhất, đẳng cấp nhất nhiều khi cũng không để làm gì khi mà khả năng chi trả của khách hàng trên thị trường vẫn có hạn.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng từng nói khi Nghị định 71 ra đời với nghĩa rằng, đây là một chính sách đột phá nhất từ trước tới nay. Và tất nhiên, ý nghĩa và tác dụng của nó cũng vô cùng lớn đối với việc khắc phục những khuyết tật trên thị trường bất động sản. Cứ cho là như vậy đi, bởi bấy lâu nay có nghị định nào quy định như thế đâu.
Thế nhưng, không lâu sau đó cũng vị này cho biết, hơn 80% các doanh nghiệp được kiểm tra vi phạm quy định về tỷ lệ giao dịch 20% không qua sàn, nghĩa là họ vượt quá con số 20 cho phép. Nếu có qua sàn cũng chỉ là hợp thức hóa hay lách luật mà thôi. Thế cũng mới biết, nhiều khi đột phá nhất cũng... chẳng để làm gì.
Nhưng, với khách hàng, với hàng triệu người dân, có một “cái nhất” mà ai cũng mong muốn đối với thị trường bất động sản, đó là giá rẻ nhất. Nếu mong muốn này trở thành hiện thực trong năm tới thì khi đó, những “cái nhất” kể trên mới thực sự có ý nghĩa. Còn nếu không, những nỗ lực của cơ quan quản lý, của truyền thông cũng trở nên công cốc khi mà những câu nói của người dân với đại ý “nhất cũng chẳng để làm gì” vẫn được thốt lên đâu đó.
(Theo NDHmoney)
- 0
- By Admin
- 28/12/2010
- 17