Những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai ở Quảng Ninh
Trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, lập quy hoạch sử dụng đất đã thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được cả hệ thống chính trị quan tâm... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập cần phải tháo gỡ.Bất cập trong chính sách quản lý và hệ thống văn bản pháp luật
Theo số liệu của các ngành chức năng, trong thời gian qua số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ngày một gia tăng (chiếm trên 80% tổng số các vụ việc). Tính chất vụ việc ngày một phức tạp, gây khó khăn cho công tác GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án tại nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập.Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Một trong những yếu tố khiến công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn khó khăn, phức tạp chính là sự bất cập trong chính sách quản lý, các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai chồng chéo, thiếu tính thực tiễn.
Hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai còn nhiều điểm chưa thống nhất, chưa nhất quán với các bộ luật khác, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, thậm chí nhiều văn bản vừa có hiệu lực đã lạc hậu so với thực tiễn... Đơn cử, việc xác định các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, điều 50, Luật Đất đai xác định các khoản tiền người sử dụng đã nộp có tương đương với tiền sử dụng đất hay không trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành, hay là việc xác định giá đất thị trường, chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư... Chính sách đất đai bất cập dẫn đến nhiều khó khăn phức tạp trong giải quyết tranh chấp, GPMB; giá đất bồi thường chưa theo kịp giá thị trường gây khó khăn cho công tác GPMB và tiến độ thực hiện dự án...
Bên cạnh đó trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất còn quá nhiêu khê rườm rà, nhiều thủ tục chưa đồng bộ với các thủ tục về đầu tư, xây dựng. Chưa kể sự cồng kềnh, máy móc, chồng chéo về thủ tục hành chính đã làm hao phí thời gian của các chủ đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và quản lý đất đai. Chính sự bất cập này đã làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước khó áp dụng, gây khó khăn cho việc quản lý, sử dụng đất đai.
Công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất còn hạn chế
Từ năm 1997, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất và đến khi hoàn thành lập quy hoạch chi tiết cấp xã đã kéo dài đến 10 năm. Vì vậy nhiều chỉ tiêu định hướng trước đây không còn phù hợp, quy hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình của địa phương.Chưa kể tiến độ lập quy hoạch, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với yêu cầu. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất bồi thường, GPMB ở nhiều địa phương còn yếu kém, nhiều nơi còn sai phạm. Ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được thường xuyên, đồng bộ.
Việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai; chưa thực sự quan tâm, thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công tác phối hợp giữa các ban, ngành của tỉnh với các địa phương và các chủ đầu tư để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai đối với các dự án còn yếu và chưa thường xuyên. Do vậy, hiệu quả sử dụng đất của các dự án chưa cao; các địa phương chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch.
Việc chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho người lao động khi bị thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian qua còn hạn chế, tình trạng quy hoạch treo, chồng lấn diện tích giữa các dự án được giao, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất đai sai mục đích còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Ở một số địa phương việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai còn thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu buông lỏng, biểu hiện rõ nhất là chính quyền cấp huyện, xã không nắm được tình hình đất giao cho các dự án. Công tác kiểm tra, thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai giao cho các dự án chưa được quan tâm đúng mức. Những bất cập và yếu kém trong công tác quản lý, sử dụng đất đai đã khiến cho việc phát huy tiềm năng đất đai bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để khắc phục những hạn chế và bất cập trên, các cấp, các ngành cần phải tăng cường công tác chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng đất, đối với những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Công tác phối hợp giữa địa phương và các cấp, các ngành phải được thực hiện thường xuyên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, có như vậy công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn mới phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
(Theo Báo Quảng Ninh)
- 0
- By Admin
- 19/04/2012
- 17