• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhức nhối tranh chấp tầng hầm chung cư

Gia tăng tranh chấp tầng hầm

Vấn đề tranh chấp nhức nhối nhất liên quan đến chung cư là tranh chấp về quyền sở hữu chung, đặc biệt là sở hữu tầng hầm nhà chung cư. Có những dự án mà khách hàng phải bỏ ra hàng tỷ đồng để “mua chỗ” để xe trong tầng hầm hoặc chủ đầu tư coi tầng hầm là của mình và thu phí “trên trời” … Chính vì vậy, đã xảy ra những vụ tranh chấp phức tạp, căng thẳng, ví dụ như vụ tranh chấp tầng hầm để xe tại The Manor của Bitexco, Keangnam, Golden Westlake Hoàng Hoa Thám,  Sky City Láng Hạ… ở Hà Nội.

Nhức nhối tranh chấp tầng hầm chung cư | ảnh 1

Một thực trạng được ông Nguyễn Trọng Hiền (Sở Xây dựng TP. Hà Nội) nêu lên tại Hội thảo là hiện các cơ sở pháp lý để chứng minh, xác định quyền sở hữu chung - riêng và quyền sử dụng chung là chưa rõ ràng, vì vậy đã nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc CTCP Quản lý và Khai thác tòa nhà PMC cho biết, trước đây, có quy định tầng hầm thuộc sở hữu chung của cư dân, nhưng sau đó, lại có quy định điều chỉnh, tùy từng dự án. Đây là điểm yếu về pháp lý làm nảy sinh mâu thuẫn.

Nhìn lại các quy định pháp luật không khó để nhận ra sự mập mờ này. Theo quy định tại khoản 3, Điều 70 của Luật Nhà ở và điểm c, khoản 2, Điều 49 của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, nếu “nơi để xe” là tầng hầm, thì tầng hầm phải được coi là sở hữu chung.

Tuy nhiên, về chỗ để xe ô tô, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP lại quy định “do chủ đầu tư quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư”. Điều này là mập mờ, trái với quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở.

Khoản 3, Điều 49, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP còn quy định: “Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung nhà chung cư quy định tại Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư”. Như vậy, quy định này của Nghị định đã né tránh việc làm rõ quyền sở hữu chung - riêng tầng hầm trong nhà chung cư, bằng việc đẩy cho các bên tự quyết định.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận, sự gia tăng các khiếu kiện, tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó có tranh chấp sở hữu chung.


Xử lý thế nào?

Theo ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, cần ban hành các văn bản quy định và giải thích thật rõ ràng, hợp lý khẳng định: tầng hầm (để xe) phải thuộc sở hữu chung. Chỉ trong trường hợp có thoả thuận khác, thì mới thực hiện theo thoả thuận. Trong trường hợp này, pháp luật phải bảo vệ người mua nhà, là những người tiêu dùng, những chủ sở hữu thực sự của chung cư.

Với giá trị khai thác kinh doanh tầng hầm ngày càng lớn như hiện nay, thì các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, khai thác kinh doanh tầng hầm sẽ ngày càng diễn ra phổ biến. Chính vì vậy, nếu không sớm có các quy định cụ thể, chi tiết giải quyết sự mập mờ này, thì tranh chấp về sở hữu tầng hầm sẽ còn tiếp diễn.



Theo thống kê, hiện có khoảng 30% dân số Việt Nam sống ở đô thị, nếu Việt Nam trở thành nước công nghiệp, dân số sống ở đô thị sẽ chiếm khoảng 50%. Theo chiến lược về nhà ở của Bộ Xây dựng đề ra, tại các đô thị và thành phố lớn, nhà chung cư sẽ chiếm khoảng 80% trong tổng số dự án nhà ở. Chính vì thế, nhà chung cư sẽ phổ biến trong khoảng thời gian tới tại các thành phố lớn và đô thị.

(Theo Đầu tư)

  • 146
  • By Admin
  • 08/10/2012
  • 17