• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhức nhối tái định cư - Bài 2: Những khu "ổ chuột" mới



Nhức nhối tái định cư - Bài 2: Những khu "ổ chuột" mới Trở thành cư dân bất hợp pháp

Con đường vào ấp Đông (xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn) càng vào sâu càng hẹp dần. Diện tích ấp Đông rất lớn, gấp đôi 1 phường trong nội thành. Chúng tôi thấy những dãy nhà cấp 4 đủ kiểu được xây trên đồng ruộng với lối đi chung rộng chỉ hơn 1m; đường đất hoặc rải đá dăm, nước ngập ngụa. "Chú tính mua nhà ở đây hả? Giá nhà ở đây thì bèo thiệt, nhưng khu vực này giờ ô nhiễm lắm rồi, ruồi muỗi nhiều lắm!" - một người đàn ông nói với chúng tôi. Ông tên Nguyễn Hồng, thuộc diện giải tỏa ở dự án Khu công nghệ cao (Q.9), về sống ở đây từ đầu năm 2005.

Trong căn nhà cấp 4 diện tích hơn 40m2, ông Hồng kể: Sau khi giải tỏa, gia đình ông gồm 4 người nhận được số tiền đền bù 140 triệu đồng và được mua một nền đất tái định cư (TĐC). Thế nhưng, số tiền nhận đền bù không đủ để mua nền đất mới (hơn 240 triệu đồng), nên ông phải ra xã Thới Tam Thôn mua căn nhà do các đầu nậu xây sẵn, để an cư.

Ông Hồng than thở: "Đúng là tiền nào của nấy, nhà mới dọn vào ở mấy tháng thì đã xuống cấp. Vừa chống thấm, chống dột xong, thì đến sụp nền, tường nứt, ngập nước... Biết là khổ, nhưng thử hỏi với số tiền đền bù trên, sao kiếm nổi nhà ở có giấy tờ đàng hoàng ở ngoại thành, nói gì ở nội thành".

Từ ngày dọn về ở ấp Đông, ông Hồng phải nghỉ làm thợ hàn tại nơi ở cũ, vì đi về quá xa. Còn vợ ông khi mới về khu vực này nhận giữ trẻ để kiếm sống, nay thì nhiều phụ huynh thấy nhà ông xuống cấp quá nên ái ngại, cho con đi học chỗ khác. Việc học của hai con ông mới khổ, chật vật mãi mới xin được vào một trường ở tận Q.12...

Cùng cảnh ngộ như gia đình ông Nguyễn Hồng là hàng chục hộ dân ở các dự án giải tỏa thuộc các quận nội thành 1, 4, 5, 8... Bà Trần Thị Kiểu, thuộc diện giải tỏa ở P.5, Q.4, sau khi nhận tiền đền bù, đã đưa cả gia đình đến xã Thới Tam Thôn mua nhà ở vì "vừa túi tiền" và "cốt có chỗ chui ra, chui vào". Điều khiến những hộ dân như vợ chồng ông Hồng, bà Kiểu buồn tủi là dù có hộ khẩu đàng hoàng, có người còn là dân nội thành, song khi ra những khu "ổ chuột" mới, họ luôn trong tâm trạng là dân sống bất hợp pháp...

Những "mảnh ghép" tại khu đô thị mới

Không đi tìm những nơi TĐC ở vùng ven như các hộ dân khác, nhiều gia đình dù đã nhận tiền hỗ trợ, đền bù nhưng vẫn quay về nơi ở cũ chỉ vì lý do mưu sinh. Bên cạnh những công trình hoành tráng ở quận 2 đang khẩn trương thi công, không khó thấy những cảnh đời bám vào những căn nhà trống hơ trống hoác, chui dưới gầm cầu... để sinh sống qua ngày.

Tiếp chúng tôi trong "căn nhà" được che cất tạm bợ có diện tích chưa đến 12m2, anh Lê Văn Thêm (P.Thủ Thiêm, Q.2) cho biết, sau khi nhận tiền đền bù, anh phải chia nhỏ cho các thành viên trong gia đình tự đi tìm nơi ở mới. Phần còn lại chỉ vài chục triệu đồng không đủ mua nhà, vợ chồng anh và 2 con chọn một nền nhà bỏ trống gần đó che tạm để ở. Hằng ngày, anh Thêm chạy xe ôm, còn vợ anh phải đi phụ việc nhà ở nội thành, 1 tuần về nhà 1 lần. Tội nhất là 2 đứa con anh, dù đang trong độ tuổi đi học nhưng vẫn không được đến trường. "Nhà nghèo phải chạy cơm từng bữa, lấy tiền đâu cho tụi nó đi học?" - anh Thêm rầu rĩ.

Tương tự là vợ chồng chị Dương Thị Hạnh và 3 con nhỏ, cũng ở P.Thủ Thiêm. Sau khi nhận tiền hỗ trợ đi tìm nơi ở mới, chỉ sau một thời gian ngắn gia đình chị quay lại nơi ở cũ thuê nhà (500 ngàn đồng/tháng). Chị Hạnh hằng ngày buôn bán quần áo, còn chồng chạy xe ôm. Những gia đình khác như hộ chị Lý Lệ Thanh, Vũ Thị Thu... quay về nơi ở cũ cũng vì "nơi ở mới khó kiếm sống".

Phó chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm Nguyễn Minh Thọ cho biết, thực tế cũng có tình trạng người dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, thậm chí có hộ chuyển nhượng nền TĐC lấy tiền tiêu xài, đánh bạc... hết tiền lại quay trở về nơi ở cũ dựng lều ở tạm, nhưng cũng có những hộ do gặp khó khăn thực sự trong mưu sinh.

Thống kê chưa đầy đủ của P.Thủ Thiêm, hiện có khoảng 20% trong tổng số hộ thuộc diện giải tỏa tại các dự án trên địa bàn phường, trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù thành phố có chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nhưng thực tế con số những người TĐC được Nhà nước hỗ trợ còn khiêm tốn.

Không chỉ ở P.Thủ Thiêm, đa số những hộ dân TĐC tại khu 1 ha, P.An Phú, chung cư Bình Trưng Đông (Q.2)... đã trở lại mưu sinh nơi họ từng ra đi. Nói về vấn đề này, ông Lê Trọng Sang, Chủ tịch UBND Q.2, tâm tư: "Hiện nay tình trạng chuyển nhượng căn hộ TĐC khá lớn. Sau khi bán căn hộ, người dân tự tìm nơi ở mới rất khó quản lý. Nếu hộ nào tự cân đối được nguồn tiền đền bù thì đỡ, còn không, họ sẽ tiêu xài dần, rồi quay trở về nơi ở cũ hoặc ra các vùng ven che cất tạm bợ để sinh sống. Đó là một vấn đề xã hội đặt ra cho các ngành, các cấp".

Cần cơ quan chuyên trách về TĐC

Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về chính sách cũng như thực trạng đời sống người dân hậu TĐC trên địa bàn, thạc sĩ Lê Văn Thành, Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị (Viện Kinh tế TP.HCM) cho rằng, có hai vấn đề thành phố làm chưa đầy đủ. Một là, giai đoạn trước TĐC, phải có những cuộc điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng từng hộ gia đình: có bao nhiêu người, độ tuổi, công việc của từng người...; sau này TĐC chỗ khác thì công ăn việc làm của họ ra sao?

Hai là, giai đoạn sau TĐC, hầu như chưa có biện pháp hữu hiệu hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp, vì tâm lý "lo được chỗ ở cho dân rồi thì coi như đã thành công, là hoàn thành nhiệm vụ". Kết quả điều tra của Viện Kinh tế TP.HCM cho thấy, có đến 86% gia đình TĐC cho rằng họ không nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền nơi ở mới.

Từ thực trạng trên, Viện Kinh tế TP.HCM đã kiến nghị thành phố thành lập ngay một lực lượng chuyên trách về hậu TĐC. Ngoài ra, ngay khi đề ra một dự án, cần có các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu đầy đủ thông tin kinh tế - xã hội và nguyện vọng của các gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, từ đó đưa ra những chính sách bồi thường, giải tỏa, TĐC thích hợp...


>Nhức nhối tái định cư - Bài 1: "Dài cổ" chờ tái định cư

Theo Thanh Niên

  • 0
  • By Admin
  • 28/08/2008
  • 17