Những tín hiệu lạc quan trên thị trường BĐS Tp.HCM
Kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định
Chỉ trong vòng 2 quý đầu của năm 2014, thị trường Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tốt hơn so với mong đợi. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đáng khích lệ và hoạt động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã tác động tích cực lên nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS. Các giao dịch ở thị trường nhà căn hộ bán tăng đều đặn, không chỉ ở phân khúc trung cấp mà còn ở phân khúc cao cấp. Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều vì những biến động đầu năm.
Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vẫn thể hiện dấu hiệu tích cực, dù biến động trong ngắn hạn nhưng vẫn khả quan trong dài hạn. Cụ thể, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại sau khi sụt giảm vào tháng 5, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam 8 tháng đầu năm 2014 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng thế giới vẫn tiếp tục giữ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 là 5.5%.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy sự kỳ vọng phục hồi, tác động tích cực cho thị trường BĐS nửa cuối năm 2014. Với những tín hiệu tích cực đã đạt được trong những tháng vừa qua và đường lối hoạt động đã được hoạch định vững chắc, trong thời gian tới, tuy chắc chắn còn phải đối mặt nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng hoạt động của thị trường vẫn sẽ rất sôi động. Thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Thị trường phục hồi rõ rệt
Khởi động tháng 9, nhiều doanh nghiệp đồng loạt tung sản phẩm ra thị trường, từ bình dân cho đến cao cấp. Điều này xuất phát từ thực tế, thị trường đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Sự phục hồi của thị trường được phản ảnh qua số liệu giao dịch thành công tăng lên rất mạnh. Cụ thể, tại Hà Nội, 7 tháng đầu năm đã có 5.100 giao dịch thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Còn tại Tp.HCM, con số giao dịch thành công trong 7 tháng qua là 4.500 sản phẩm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tồn kho bất động sản cũng đã giảm từ 120.000 tỷ đồng năm ngoái, xuống còn 83.000 tỷ đồng.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức khẳng định, thị trường bất động sản đang phục hồi rõ rệt. Ngay từ cuối năm 2013, xu hướng giao dịch đã tăng lên, đặc biệt là từ đầu năm 2014 đến nay, xu hướng này càng thể hiện rõ nét hơn từ thực tế bán hàng của các dự án. Dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, song những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cùng với việc lãi suất giảm, các chính sách mới hỗ trợ cho thị trường được ban hành và sự phục hồi của thị trường chứng khoán, đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.
Thị trường BĐS Tp.HCM đang có những biến chuyển tích cực (Nguồn ảnh: Internet) |
Vốn ngoại vẫn không ngừng vào bất động sản
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, hơn 1,15 tỷ USD vốn FDI "chảy" vào bất động sản trong 8 tháng đầu năm. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2014 thu hút 992 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7246,2 triệu USD.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đạt 1154,3 triệu USD, chiếm 11,3%; ngành xây dựng đạt 552,9 triệu USD, chiếm 5,4%; các ngành còn lại đạt 1524,1 triệu USD, chiếm 14,9%. Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hút khá lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia về thị trường, tổng số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đổ vào mảng bất động sản đã xếp thứ 2 trong nửa đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước ước tính dòng vốn chảy vào Việt Nam trong năm 2014 đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, đủ để bù đắp thâm hụt thương mại và dòng vốn này dự báo sẽ tiếp tục chạy mạnh vào Việt Nam trong những tháng cuối năm. Hàng loạt dự án có vốn đầu tư trung bình và lớn đã được các nhà đầu tư nước ngoài công bố triển khai như: khu chung cư phường 22, quận Bình Thạnh (Tp.HCM) của Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.
“Đây là giai đoạn chúng tôi tiếp xúc và chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến bất động sản Việt Nam nhiều nhất trong 5 năm qua. Dù đến nay vẫn chưa mang lại kết quả nhiều, nhưng điều này cho thấy, bất động sản Việt Nam vẫn luôn được quan tâm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định.
Hạ lãi suất cho vay mua nhà
Thông tin từ Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển nhà ở Tp.HCM cho biết, quỹ đã quyết định giảm lãi suất vay từ 6% xuống còn 5,6% với thời gian cho vay lên tới 15 năm. Tuy nhiên, để áp dụng mức lãi suất này, ngân sách Tp.HCM đã bù 3%. Trong 7 tháng đầu năm 2014 đã giải ngân cho vay đạt 98 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch được giao, tăng 24% so với cùng kỳ.
NHNN đang nghiên cứu xây dựng một gói hỗ trợ vay mua nhà khác cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Gói mới này cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp, mua nhà liền kề… Mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị, còn lại vốn tự có của người mua. NHNN đưa ra một số phương án lãi suất dự kiến dao động từ 6-7,5%/năm, với thời hạn vay kéo dài trong khoảng 10 năm.
Siết chặt quản lý
Bắt đầu từ 1/7/2014, UBND Tp.HCM siết chặt hơn đối với các dự án mới triển khai bằng quy định yêu cầu các DN kinh doanh BĐS, phát triển dự án buộc ký quỹ trước khi nhận giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời với chủ trương này, ngay đầu tháng 7/2014, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với sở ngành liên quan và UBND quận, huyện lập danh mục dự án cần thu hồi và kế hoạch sử dụng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở trong năm 2015. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ công bố công khai các dự án, chủ đầu tư có vi phạm để công tác quản lý, thu hồi được thực hiện triệt để, công khai, minh bạch.
Quan điểm của UBND Tp.HCM là, mặc dù vấn đề này có thể gây khó khăn trước mắt cho một số chủ đầu tư BĐS không có nguồn tài chính vững vàng, nhưng về lâu về dài thị trường sẽ phát triển lành mạnh, cũng như tránh tình trạng đăng ký đầu tư chiếm dụng quỹ đất, gây lãng phí quỹ đất của thành phố. Với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lành mạnh hóa thị trường là việc làm cấp thiết. Các cơ chế về BĐS thời gian qua đã tạo điều kiện rất nhiều cho DN ngành này nhưng vẫn không đẩy được thị trường đi lên, chính do bản thân các DN luôn tìm cách lách cơ chế tạo sự thiếu minh bạch. Vì vậy, biện pháp ký quỹ là việc làm minh bạch các quan hệ, đặt vấn đề quyền lợi và trách nhiệm cho DN khi tham gia thị trường. Có như vậy, thị trường BĐS mới có cơ hội vực dậy.
* Báo cáo thị trường này dành riêng cho các khách hàng, đối tác của Batdongsan.com.vn.
Phương Uyên
- 0
- By Admin
- 20/09/2014
- 17