• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhóm ngành vật liệu xây dựng đang hết sức bi đát

Áp lực giải phóng hàng tồn kho, quay vòng đồng vốn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) chấp nhận giảm giá bán để kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường VLXD sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Mãi lực giảm

Qua khảo sát thực tế, mãi lực nhiều mặt hàng VLXD trên thị trường Tp.HCM giảm mạnh khoảng 50% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở 2 nhóm hàng xi măng, sắt thép. Sức mua nhiều mặt hàng khác như gạch, ngói, gốm sứ, sơn, dây cáp điện, ván lót sàn, kiếng… cũng giảm trên 40%. Theo các chủ DN, chưa bao giờ lượng hàng tồn kho, mẫu mã lỗi thời, gỉ sét… nhiều như hiện nay.

Vì vậy, mỗi khi “vớ” được khách hàng, các hệ thống phân phối sỉ và lẻ  sẵn sàng chấp nhận hy sinh tối đa lợi nhuận, giảm giá thành, bán ghi sổ, miễn phí vận chuyển để cạnh tranh.

Nhóm ngành vật liệu xây dựng đang hết sức bi đát | ảnh 1
Trong một cửa hàng VLXD ở quận 10, Tp.HCM. Ảnh: T.VY

Đơn cử, tại cửa hàng phân phối thép Nam Thành Vinh (Lý Chính Thắng, quận 3), so với đơn giá vật liệu chào bán trong tháng 6-2012, sắt Việt - Nhật (loại 6-8) đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg, sắt cây loại lớn (10-16) giảm khoảng 5.000-10.000 đồng/cây; sắt Pomina (loại 6-8) giảm 1.300 đồng/kg, sắt cây loại lớn (10-16) giảm từ 4.000-10.000 đồng/cây; xi măng Sao Mai giảm 3.000 đồng/bao, xi măng Hà Tiên giảm 7.000 đồng/bao.

Thời hoàng kim của BĐS, “phố VLXD” trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành (quận 10) nổi tiếng là khu mua bán nhộn nhịp, sầm uất.

Thế nhưng, vài tháng gần đây, các cửa hàng phân phối VLXD lớn nhỏ quần tụ trên 2 tuyến đường này đều rơi vào tình cảnh đìu hiu, ế khách. Hàng chục cửa hàng thu không đủ bù chi (tiền thuê mặt bằng, thuê mẫu trưng bày, lương nhân viên, điện, nước, chi phí khác) nên đã đóng cửa hoặc cho thuê.

Chiều 24/7, có mặt tại cửa hàng Hai Bửng (Tô Hiến Thành, quận 10), chúng tôi không thấy bất kỳ một khách hàng nào đến mua hàng. Nếu như doanh số bán hàng tại cửa hàng này trước đây mỗi ngày thu về hàng trăm triệu đồng thì nay rớt xuống vài chục triệu đồng, thậm chí có ngày không bán được đồng nào.

Trước tình cảnh bi đát này, nhân viên ở đây cho biết nhà cung cấp và đại lý luôn chủ động cải thiện chính sách bán hàng và có nhiều chương trình bán hàng ưu đãi, giảm giá hấp dẫn. Chẳng hạn, đối với gạch men Bạch Mã, Đồng Tâm, nếu khách hàng mua số lượng lớn trên 100m2 sẽ được giảm giá 10%, trên 1.000m2 được giảm giá 12% và sản phẩm được niêm yết giá cụ thể.

Riêng sản phẩm của các nhãn hiệu như Kim Phong, Đông Đỉnh Phong, Thanh Long… không niêm yết giá, chủ cửa hàng tự “thỏa thuận” với khách ở mức giá “mềm” nhất.

Đối mặt thua lỗ

Theo TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các DN nói chung và các DN ngành VLXD nói riêng.

Các dự án BĐS tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ VLXD giảm đáng kể.

Mặt khác, những khó khăn hiện hữu như giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng; lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20-30%, vốn lưu động thiếu làm cho các DN VLXD phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ.

Trong 5 tháng đầu năm 2012, tiêu thụ xi măng đạt khoảng 18,4 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2011 (20,6 triệu tấn), nâng khối lượng hàng tồn kho lên 3 triệu tấn.

Sản suất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành lại tăng khoảng 10% so với năm 2011 do hệ quả của phong trào đầu tư xi măng từ nhiều năm qua. Năm 2012, nếu thị trường nội địa tiêu thụ đạt 46-47 triệu tấn, xuất khẩu đạt 7-8 triệu tấn thì khối lượng xi măng dư thừa vẫn xấp xỉ 10 triệu tấn.

Với mặt hàng gốm sứ, gạch ốp lát hiện tồn kho trên 40 triệu m2, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất vật liệu không nung cũng đang hoạt động cầm chừng, đạt 30% công suất thiết kế do thị trường chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng toàn ngành thép 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 2,3 triệu tấn, giảm 6,8% và lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 2,2 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều DN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp kích cầu, khơi thông đầu ra giúp DN vượt khó.

Chẳng hạn như đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng bê tông xi măng, khuyến khích sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người mua nhà, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng các sản phẩm VLXD xuống 5%...

Ông Dương Chí Thiện, Giám đốc Kinh doanh Công ty 584, chia sẻ: “Cũng như nhiều công ty kinh doanh địa ốc khác, 2 năm trở lại đây chúng tôi đã ngưng thi công công trình mới, chờ thị trường hồi phục trở lại. Để tránh hiện tượng “chết chùm”, bên cạnh nỗ lực vượt khó của DN, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, giúp nhà đầu tư vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay”.

(Theo ĐTTC)

  • 227
  • By Admin
  • 26/07/2012
  • 17