• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhóm hàng vật liệu xây dựng vẫn chưa qua đoạn khó khăn

Hàng ứ động, nợ bủa vây

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng qua giảm mạnh. Cụ thể, lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6-2012 đạt khoảng 380.000 tấn, giảm 12% so với tháng trước... Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn ngành thép ước đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm hàng vật liệu xây dựng vẫn chưa qua đoạn khó khăn | ảnh 1
Mua bán thép tại một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình. Ảnh: DIỄM THY

Theo VSA, lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Dự báo có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012. Tương tự, ngành xi măng hiện tồn kho đã vượt mức kỷ lục, trên 10 triệu tấn. Chưa kể, hàng loạt DN ôm nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã có hàng trăm dây chuyền sản xuất VLXD phải dừng hoặc giảm công suất.

Qua khảo sát thực tế, sức mua nhiều mặt hàng VLXD trên thị trường sỉ và lẻ đang giảm 40% - 50% so với cùng kỳ, tập trung ở nhóm hàng chủ lực như xi măng, sắt thép... Các mặt hàng phụ như gạch, ngói, gốm sứ và các loại sơn chống thấm, dây cáp điện... sức mua cũng giảm khoảng 40%.

Hiện một số loại sắt nhỏ (6 - 8) bán lẻ có mức giảm trung bình khoảng 500 đồng/kg và sắt cây loại lớn (12 - 16) có mức giảm 9.000 - 14.000 đồng/cây. Một số vật liệu khác như cát, đá cũng giảm nhẹ 3% - 5%, giá bán lẻ một số mặt hàng như bồn cầu đã giảm khoảng 5% - 10% đối với loại có giá trên dưới 1 triệu đồng/cái, sàn gỗ giảm khoảng 15%, gạch ngói giảm 10%...

Kỳ vọng vào chính sách mới

Giám đốc Công ty TNHH TM XD Sơn Hùng Trần Thanh Hùng cho biết so với thời điểm trước, từ khi Nghị quyết 13 của Chính phủ về giảm, giãn thuế cho DN, cộng với chính sách nới lỏng tín dụng, trong đó gồm cả đối tượng bất động sản, ngành xây dựng có tín hiệu lạc quan trở lại. Cụ thể, dù phía Nam đang ở vào giai đoạn mưa nhiều song công ty vẫn ký hợp đồng được với nhiều công trình nhà phố.

Thời điểm này lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn nên người dân có xu hướng rút tiền về sửa chữa, xây dựng nhà cửa hoặc mua bán, xây dựng để kinh doanh kiếm lời. Mặt khác, các DN VLXD đang xả hàng để thu hồi vốn, chống lỗ nặng nên giá giảm mạnh cũng kích thích thị trường xây dựng dần sôi động trở lại.

Mục tiêu nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra nhằm giải quyết khó khăn cho DN trong thời gian trước mắt và đưa ra các biện pháp tháo gỡ nhằm khơi thông thị trường cũng như giảm chi phí đầu vào cho DN. Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chi tiêu công sẽ giúp DN nói chung tháo gỡ hàng tồn kho như sắt thép, xi măng... cho các công trình xây dựng cơ bản.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, ngay sau thời điểm những chủ trương chính sách của nhà nước được ban hành, ngành xây dựng trở nên lạc quan hơn, nhiều chủng loại VLXD bắt đầu tiêu thụ nhích lên. Do đó, các DN cần nắm bắt thời cơ, đồng thời có chiến lược dài hạn để phát triển bền vững.

Trong đó, tự thân các DN cần cải tiến kỹ thuật, công nghệ để sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt hơn. Các DN phải cơ cấu lại sản xuất, liên kết với nhau tạo dựng những thương hiệu mạnh; đồng thời chủ động tham gia thị trường thế giới.

Về phía quản lý nhà nước, cần thiết đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu, để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa và tiếp tục đưa ra các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các DN.

(Theo SGGP)

  • 214
  • By Admin
  • 23/07/2012
  • 17