Nhìn nhận nhà ở xã hội phải thoáng và khách quan
Nhiều ý kiến từ chủ đầu tư, chuyên gia BĐS và đại diện quản lý Nhà nước được đưa ra, nhưng đây mới chỉ như một “đốm sáng trong bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS”.
“Cái khó bó cái khôn”
Đã hơn ba năm nay, dự án nhà ở xã hội vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Nhà ở xã hội là nhu cầu có thực của một bộ phận xã hội, của người có thu nhập trung bình. Nói về vấn đề này, TS Trần Minh Hoàng phân tích: “Theo thống kê của UNDP, Việt Nam có tới 20% dân số (khoảng 17 triệu người) có thu nhập thấp hơn 1 USD/ngày, và thu nhập trung bình của người dân chỉ ở mức 2,3 USD/ ngày, thì việc đặt mục tiêu người nghèo có nhà là xa xỉ. Với nền kinh tế hiện nay, chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu xây dựng nhưng khu “nhà mở” để những người cơ nhỡ, người thật nghèo, trẻ em lang thang… có được nơi tá túc”.
Phó chủ tịch TLĐLĐVN - ông Mai Đức Chính cho biết: “Chỉ có 5 - 7 % số lao động trong các KCN, KCX được ở trong các khu nhà ở được xây từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc từ doanh nghiệp. Còn lại trên 90% số lao động phải tự thu xếp thuê nhà trọ của các hộ dân tự xây trong các khu dân cư lân cận các KCN”. Cũng theo ông Chính, bất cập lớn nhất hiện nay là cơ cấu, chính sách về nhà ở còn chưa phù hợp với thực tế.
Việc xây nhà ở xã hội từ trước tới nay thường chỉ trông chờ vào nguồn vốn các địa phương bán nhà theo Nghị định 61 và từ nguồn quỹ sắp xếp nhà công sở. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận: “Do sự cấp thiết của nhiều lĩnh vực khác như hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… nên các địa phương đã dùng sai lệch nguồn vốn đáng ra để xây dựng nhà ở xã hội”.
Một nguồn vốn thiết thực cho lĩnh vực này, nhưng rất khó huy động, đó là các thành phần kinh tế. Nhưng theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thì, “đầu tư xây dựng dự án nhà ở đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, thời hạn ngắn, nhưng lợi nhuận thu được từ nhà ở xã hội lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài. Do vậy đa số các doanh nghiệp không mặn mà tham gia”.
Một số doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận “do luật quy định khi làm nhà ở xã hội thì không được nhỏ hơn 30m2, không lớn hơn 60m2. Còn xây nhà ở thương mại thì không được thấp hơn 45m2. Với quy định như vậy và lợi nhuận trước mắt thì rất ít doanh nghiệp mặn mà đầu tư cho nhà ở xã hội”.
Giải pháp nào?
Quỹ đất sạch, ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn và lãi suất, đầu tư hạ tầng… là những yếu tố quan trọng để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đại diện của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS kiến nghị: “Ngay từ khi lập quy hoạch, địa phương phải xác định rõ quỹ đất để xây nhà cho người thu nhập thấp. Khi các doanh nghiệp tham gia vào thì cần có những cơ chế ưu đãi như miễn thuế, giảm thiểu các thủ tục rườm rà làm mất nhiều thời gian, làm tăng chi phí sản phẩm”. Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Các vấn đề thuộc về cơ chế nhà nước sẽ được cải tiến, như thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng sẽ được rút ngắn từ 5 bước xuống còn 3 bước. Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị Chính phủ không thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ hạ tầng, miễn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Các quy trình xây dựng cũng đang được chỉnh sửa. Quỹ xây dựng nhà ở cũng sẽ được triển khai”.
TS Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM đã đưa ra một nguyên nhân chủ yếu khiến cho chương trình nhà ở xã hội khó thực hiện là: “Các tỉnh đã giao hết đất cho doanh nghiệp BĐS với giá rất rẻ, không giữ lại để làm dự án nhà ở xã hội, khi cần thì phải mua lại với giá cắt cổ. Còn không ít doanh nghiệp có đất lại không triển khai dự án như đã xin phép mà chỉ để “sang tay” nhằm nhanh thu lợi. Điển hình là dự án của ĐH Bách khoa TP.HCM, hạ tầng đã xong 15 năm nhưng tới nay vẫn chỉ là khu đất hoang. Những trường hợp như vậy Nhà nước cần thu hồi để sử dụng cho dự án nhà ở xã hội”.
Nhiều ý kiến cho rằng giá trị đất tăng lên là do Nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì Nhà nước đáng được hưởng 50%, phần chênh lệch này sẽ là nguồn vốn để đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam động viên các doanh nghiệp nên nhìn nhận vấn đề nhà ở xã hội một cách thoáng và khách quan hơn. Theo ông, đây sẽ là “đốm sáng” cho thị trường BĐS đang trầm lắng hiện nay, để những “đốm sáng” đó thực sự cháy lên và lan tỏa sức sống đem lại lợi ích cho toàn xã hội, chúng ta sẽ gọi đó là nhà giá thấp, nhà ở xã hội mà cả xã hội đang quan tâm.
- 0
- By Admin
- 05/03/2009
- 17