• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhiều việc cần làm hơn Trục Hồ Tây - Ba Vì

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, PCT Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: "Cách người ta đặt vấn đề về quy hoạch cũng thấy lạ thường và trong bản thể hiện cũng thấy vậy. Chẳng ai làm quy hoạch trong một thời gian ngắn ngủi với cơ sở và dữ liệu nghèo nàn. Vả lại, một thành phố không phải của hiện tại mà là Thủ đô mà giải quyết trong vài tháng thì không ai làm được cả, nhất là với đối tác tham gia quá yếu kém. Chưa thấy trong lịch sử, một thành phố có tầm quy mô quốc gia lại được xây dựng trong một năm trời. Quanh câu chuyện về trục đường được bàn đi bàn lại thấy buồn cười quá, chỉ là trục đường thôi mà Hà Nội phản đối, sau đó ủng hộ. Chúng ta phải hiểu, trục Hồ Tây - Ba Vì này không phải là cái bức thiết, trong khi Hà Nội hiện có muôn vàn cái cần phải làm ngay, ngay cả vấn đề sinh tử, chiến lược của Hà Nội như giải quyết giao thông ra sao, vẫn bị bỏ ngỏ. Nhìn ra cũng thấy con đường này chẳng liên quan gì đến việc giải quyết tình trạng giao thông của Hà Nội mà như đang phục vụ một cái gì đó."

Nhìn rộng hơn GS.TS Hoàng Đạo Kính cũng cho biết: "Tôi không tham gia bất cứ vấn đề gì trong việc này, vì biết rằng trước sau nó cũng nguội đi thôi. Ngay cả vành đai xanh cũng vậy, bản thân đất đai xung quanh Hà Nội đã là vành đai xanh rồi, bây giờ lại giải tỏa hàng vạn nhà dân đi để tạo ra một vành đai xanh như cái thắt lưng trên bụng người ta thì buồn cười quá. Trong khi tại sao chúng ta không bảo vệ, mở rộng những mảng xanh hiện có. Tôi cảm thấy buồn lòng, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà lại bầy ra việc này hoàn toàn không đúng lúc, khi lúc này phải bỏ sức ra cải tạo Hà Nội hiện hữu trong 140 km2 cũ kỹ, lạc hậu".

"Thêm nữa, không ai đi vay tiền nước ngoài để xây dựng Thủ đô. Nếu cứ cố làm như vậy, thì Hà Nội sau này vẫn như bây giờ, tức là phát triển rất tự phát, càng quản lý càng kém đi, thấy thiếu đi những nhà quản lý đô thị thực thụ. Bây giờ đang lấy câu chuyện trục Thăng Long để lấm láp đi những việc quan trọng như làm thế nào để hiện đại hóa TP. Hà Nội. Buồn cười nhất là trước đó lại lấy tên là trục Thần đạo. Tôi đã có lần nói rằng, trục Thần đạo người ta chỉ làm cho đền, vậy chẳng nhẽ một TP lại biến thành đền? Sau đó mới đổi thành trục Thăng Long, sau đó thấy lắm chuyện quá lại đổi thành trục Hồ Tây - Ba Vì. Thực ra nhu cầu thực tế làm gì có", GS. TS Hoàng Đạo Kính nhận xét.                       

“Làm việc như thế sẽ gây mất lòng tin của người dân”

Để có cái nhìn nhiều chiều hơn về vấn đề này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông GS. TSKH Đặng Hùng Võ.

Thưa ông, trước đây Hà Nội cho rằng không cần thiết có trục đường này, nhưng bây giờ lại thay đổi, vậy có điều gì khó hiểu?

Cách làm việc như thế của cơ quan quản lý nhà nước sẽ gây mất lòng tin của người dân. Khi đưa ra một quyết định phải nghiên cứu đến tính khả thì và đảm bảo tính thống nhất. Những cách làm "ông chẳng bà chuộc" trong tư duy lãnh đạo là không hay. Bản thân con đường đó không có ý nghĩa gì nhiều lắm đối với bản tổng thể quy hoạch TP. Hà Nội. Theo quan điểm cá nhân tôi, không nên mất công, mất sức quá nhiều vào việc xây dựng trục đường này. Giả như, việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì ảnh hưởng đến quyết sách quy hoạch chung Hà Nội thì nên làm. Theo tôi, việc xây dựng trục này không nên coi nó là hệ trọng.

Vậy việc xây dựng trục đường này là quan trọng hay không, thưa ông?

Nếu như Ba Vì là một trung tâm lớn là hoàn toàn bình thường (như trước đây Ba Vì được quy hoạch là trung tâm hành chính quốc gia - PV) thì con đường đó có ý nghĩa. Bây giờ thì không có ý nghĩa gì nhiều trong việc kết nối các trung tâm. Con đường đó, tồn tại hay không tồn tại không có ý nghĩa quan trọng nhiều.

Có ý kiến cho rằng, cố xây dựng trục đường này có mục đích hướng tới bất động sản, ông nghĩ sao?

Việc có phân đất hai bên đường hay không thì hạ hồi phân giải, nhưng để người dân đưa ra ý kiến đó là không hay và cơ quan quản lý cần nghiên cứu lại. Còn về việc muốn xây dựng theo trục cong, đấy là một ý kiến về địa lý phong thủy, Hà Nội muốn đề xuất xây dựng theo trục cong vì theo tôi hiểu phong thủy là một yếu tố chúng ta cần xem xét, và về mặt tâm linh không nên thẳng để tránh thẳng các con đường với huyệt đạo. Điều quan trọng là phải xác định Ba Vì sẽ là cái gì mà phải có. Vậy có nên hiểu đây là ý kiến chủ quan của một số lãnh đạo, chứ không phải đại đa số người dân?

Đây là một nhược điểm về quản lý của chúng ta, chúng ta thường đưa ra quy trình ra quyết định mà không đảm bảo tính độc lập của các chủ thể tham gia. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc vào ý kiến Thủ tướng, nhưng quan trọng phải đảm bảo tính khách quan và khả thi. Việc xây dựng một quyết sách phải đảm bảo tính độc lập. Việc thành lập thành lập hội đồng này không trái với các quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật còn có những điểm cần phải sửa đổi, bổ sung cho sát với thực tế.

Cảm ơn ông!

(Theo ĐS&PL)

  • 0
  • By Admin
  • 21/09/2010
  • 17