Nhiều uẩn khúc trong giải quyết đền bù
Văn bản thật, lời hứa… suông!
Ngày 14-4-1989, UBND huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) ban hành Quyết định số 105, do ông Nguyễn Doãn Thuận - Chủ tịch huyện ký và giao cho 3 xã Hạ Bằng, Cần Kiệm và Đồng Trúc 52,4ha đất khu núi Đồn, núi Dài trồng cây keo, bạch đàn.
Sau đó, do có sự thay đổi địa giới hành chính, một số diện tích đất được giao cho thôn 1, xã Thạch Hòa quản lý. Đến năm 1991, toàn bộ diện tích đất đã phê duyệt theo Quyết định 105 được thu hồi và chuyển đổi sang chương trình PAM-3352 của Chính phủ về việc phủ xanh đất trống đồi trọc.
Theo hợp đồng ký kết giữa người dân với Dự án PAM, các hộ dân sẽ được trả công trong suốt quá trình trồng rừng bằng lương thực hoặc tiền quy đổi từ lượng lương thực đó. Nhưng kể từ khi được giao đất trồng rừng, người dân chỉ được cung cấp một phần giống cây trồng lúc khởi đầu cùng 10kg đạm. Ngoài ra, không ai được thanh toán gì thêm.
Ông Trần Văn Liễu, thôn 2, xã Hạ Bằng cho biết: Sau khi nhận đất, người dân chúng tôi phải cải tạo lại khu đất được giao. Thời điểm chúng tôi nhận đất chỉ là đồi núi trọc, đá sỏi và hố bom đạn, hầm hào…
Khi trồng cây, muốn có nước tưới cho cây phải đi gánh ở suối cách rừng mấy cây số. Mặc dù nói là Dự án PAM được hỗ trợ nhưng chúng tôi chưa nhận được gì, đến cây giống cũng phải mua. Như gia đình tôi, khi cây chết phải đi vay 3 triệu đồng để bổ sung giống.
Anh Nguyễn Văn Hiến, xã Cần Kiệm nói: “Trong 20 năm, bao nhiêu công sức, tiền của, gia đình tôi đều đổ vào đây. Ngày ngày phải đào từng hốc đất trên cát sỏi để trồng từng bậu cây, vai tứa máu vì cõng nước từ chân núi lên để tưới.
Chúng tôi đã tính bỏ vì nản nhưng vẫn phải chạy theo “lời hứa” của các cơ quan chức năng. Đùng một cái, năm 2007, Nhà nước có chủ trương thu hồi để làm khu dân dụng tái định cư Bắc Phú Cát mà không được đền bù, hoặc có thì lại không được công khai”.
Núi đồi trồng keo, bạch đàn tan hoang và bị “xẻ thịt” đem bán |
Thiếu công khai, minh bạch
Chủ trương thu hồi để làm khu dân dụng tái định cư Bắc Phú Cát hầu hết được nhân dân nơi đây đồng tình ủng hộ. Vì theo họ, khi có nhiều khu công nghiệp, dự án xây dựng sẽ thúc đẩy được nền kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc thu hồi đất khi nhân dân chưa thông thì chính quyền đã triển khai dồn dập. Ban thi công đưa máy ủi, máy múc vào phá hoại tài sản cây cối của một số hộ dân chưa được đền bù.
Nhìn rừng keo, bạch đàn bạt ngàn nay đã bị phá tan hoang, núi đồi thì bị “xẻ thịt” mang đất đi bán. Khi nhân dân có đơn thư khiếu nại gửi đến lãnh đạo các cấp không được giải quyết. Hỏi xã thì chỉ lên huyện, hỏi huyện, huyện chỉ sang Ban GPMB và rồi đến Phòng Tài nguyên Môi trường, sau đó lại được hướng dẫn về xã.
Đến 10-10-2007, UBND xã Thạch Hòa ra Thông báo số 25/TB-UB trả lời: “Không được bồi thường về đất. Đối với cây trồng theo Dự án PAM thì cho hộ dân có tự khai thác và được hưởng 100%”. Nhưng một số hộ dân không thuộc diện được hỗ trợ đền bù thì lại được kiểm đếm đền bù.
Ông Trần Văn Kỷ, xã Hạ Bằng bức xúc: Trước đây những người được giao đất có giấy tờ thì không được kiểm đếm, UBND xã và UBND huyện lại kiểm đếm cho những hộ không có giấy tờ giao đất.
Đơn cử như hộ gia đình ông Cảng - Chủ nhiệm HTX kiêm Trưởng ban GPMB xã Thạch Hòa (do Nguyễn Văn ất đứng tên), ông Nguyễn Đình Hưng… (các gia đình này đều là những cán bộ chủ chốt của xã).
Bên cạnh đó, việc đền bù GPMB còn nhiều bất công, như gia đình ông Nguyễn Văn Thế có hơn 4.000m2 đất được đền bù hơn 20 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Hùng có hơn 800m2 được đền bù hơn 16 triệu đồng. Trong khi đó, hộ gia đình bà Trần Thị Phong hơn 6.000m2 chỉ được đền bù hơn 1,5 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên chiều 14-4-2009 về vấn đề trên, ông Cấn Văn Nghĩa - Bí thư Huyện ủy, huyện Thạch Thất thẳng thắn nói: “Trong giai đoạn hiện nay có một vấn đề nổi cộm là đất đai và công tác GPMB. Mới đây, chúng tôi cũng nhận được những đơn thư khiếu nại về việc này và cũng đang cùng bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo phải giải quyết một cách rõ ràng.
Trong thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan tổ chức huyện sẽ tổ chức một cuộc chất vấn trực tiếp, công khai nhằm làm sáng tỏ sự việc. Trong thẩm quyền của mình nếu sai phải sửa, vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo và xử lý theo pháp luật, không để nhân dân kêu mãi oan sai”.- 183
- By Admin
- 16/04/2009
- 17