• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn 5 sao

Quý IV-2013, thị trường Tp.HCM đón nhận thêm hai khách sạn mới. Theo thống kê của Savills Việt Nam, đến cuối năm 2013, Tp.HCM tổng cộng có 92 khách sạn  từ 3 đến 5 sao với 12.600 phòng, tăng 4% theo quý và 10% theo năm. Con số này được giữ nguyên trong quý I-2014.

Giá phòng trung bình đạt hơn 1,8 triệu đồng một phòng mỗi đêm, không đổi theo quý nhưng tăng 3% theo năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 4 sao hoạt động tốt nhất với công suất phòng 81%. Tiếp theo là phân khúc 3 sao với 75% và 5 sao là 70%.

Năm 2012, công suất thuê phòng bình quân trên mỗi khách sạn 5 sao đạt 56,3%. Ở Hà Nội, quý I vừa có thêm một khách sạn 5 sao nữa đi vào hoạt động, nâng tổng số nhóm này lên 14 đơn vị.

Kinh doanh khách sạn 5 sao tại Tp.HCM năm vừa qua phần lớn chưa có sự đột phá về tăng trưởng

Theo Grant Thornton Việt Nam, doanh thu tính trên mỗi phòng sẵn có (RevPAR) của 3 phân khúc khách sạn giai đoạn 2003 - 2012 tại Việt Nam đa phần đều giảm trung bình khoảng 0,2%. Riêng phân khúc 4 sao giảm đến 4,6%. Tuy nhiên, quý I/2014, RevPAR của 4 sao tại Tp.HCM tăng mạnh với 18%, còn 5 sao lại giảm nhẹ 1%.

Đánh giá kinh doanh của các khách sạn 5 sao tại Tp.HCM trong năm vừa qua, ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc Khách sạn REX cho rằng phần lớn không có sự tăng trưởng đột phá. Thậm chí, qua quý I/2014, doanh thu giảm 1 - 2% so với cùng kỳ, một số khách sạn giảm đến 4 - 5%.

"Tình hình chung chưa có nhiều chuyển biến tích cực bởi vẫn còn ảnh hưởng khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, sự chia sẻ lượng khách từ các khách sạn 3-4 sao cũng góp phần làm doanh thu khách sạn 5 sao sụt giảm”, ông Nghệ nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng giám đốc Khách sạn Majestic nhìn nhận bên cạnh những nguyên nhân về mùa thấp điểm hay cao điểm, việc kinh doanh trong lĩnh vực này còn bị tác động không nhỏ bởi một số yếu tố khách quan.

Cuối tháng 3/2014, kinh doanh khách sạn đang ổn định vì vẫn còn là tháng cao điểm nhưng từ ngày 20/3 trở đi lại sụt giảm đột ngột. Có thể do tai nạn máy bay MH370 hay tình hình chính trị tại Thái Lan khiến những người muốn đi du lịch tiếp tục trì hoãn kế hoạch", ông Vũ chia sẻ.

Song, nhiều nhà điều hành khách sạn nhận định tình trạng này chỉ mang tính chất tạm thời vì khi kinh tế ổn định, thị trường vẫn cần nguồn cung khách sạn hạng sang lớn, đặc biệt ở những khu vực như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Thậm chí, ngoại trừ sự tăng trưởng vượt trội cả về công suất lẫn RevPAR của khách sạn 5 sao năm 2007, giai đoạn suy thoái kinh tế, nhiều đơn vị vẫn được giới chuyên môn đánh giá là kinh doanh hiệu quả.

Tp.HCM hiện có 16 KS 5 sao, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, nhưng giá phòng, thành phần khách lưu trú và chiến lược tiếp thị là hoàn toàn khác nhau.

Phân tích về nguồn khách lưu trú của khách sạn 5 sao, ông Nguyễn Đức Ngọc -Giám đốc Kinh doanh - Tiếp thị Tập đoàn TD Corp dẫn giải, khách du lịch thường được phân chia thành 3 thị trường gồm khách lẻ (cá nhân), khách đoàn (group) và khách thương nhân (corporate). Đối với nhóm khách đoàn lại được phân chia thành hai loại là doanh nhân (cấp quản lý) và khách đi theo diện thưởng của công ty.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thường cắt giảm các chi phí công tác của quản lý cấp trung, nếu có cũng chuyển từ 5 sao xuống 3-4 sao. Trong khi đó, nhân viên được công ty thưởng lại có nhiều sự lựa chọn về địa điểm. Đó là lý do khiến công suất của khách sạn 5 sao giảm sút trong vài năm vừa qua.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ở đây phát sinh vấn đề khác là đối với nhà quản lý cấp cao (tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, giới nhà giàu ngoại quốc...), chi phí công tác không bị cắt giảm. Do vậy, những khách sạn hạng sang vẫn kinh doanh tốt.

Nguồn cung khách sạn 5 sao tại Tp.HCM nói riêng và trên phạm vị cả nước nói chung chưa nhiều nhưng mức độ cạnh tranh là không hề nhỏ. Đại diện

Đại diện Khách sạn Majestic đưa ra giả thiết nếu các khách sạn 5 sao đồng loạt giảm giá xuống còn 60 USD một phòng mỗi đêm thì sẽ như thế nào? Chính sách "bán lỗ” vừa "tự hạ thấp" mình, vừa không đủ kinh phí để bù đắp, nâng cấp bảo trì khách sạn theo đúng chuẩn, khi thị trường trở lại thì "5 sao" sẽ mất khách.

Do đó, thay vì hạ giá, các khách sạn 5 sao luôn "nhìn nhau" và điều chỉnh cho phù hợp với từng mùa, tùy tình hình, hoặc không giảm giá nhưng tạo ra các giá trị cộng thêm về dịch vụ cho khách lưu trú.

Mặc dù không bằng thời điểm đỉnh cao nhưng dư địa phát triển của mảng kinh doanh khách sạn 5 sao còn rất lớn. Nhìn vào thị trường Tp.HCM, ông John Augustin - Giám đốc Điều hành Tập đoàn quản lý The Everly Group cho rằng tình trạng kết quả kinh doanh kém hơn giai đoạn 2007-2008 sẽ không kéo dài lâu. Tp.HCM hay Hà Nội đang ở giai đoạn đầu như các thành phố lớn của Malaysia những năm 80 của thế kỷ trước nên dư địa phát triển còn rất lớn.

Thống kê của Savills tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giá trị và xu hướng đầu tư trong khu vực đối với lĩnh vực khách sạn cho thấy Việt Nam đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2% trong tổng số 12 thị trường mà các nhà đầu tư quốc tế hiện diện. Singapore chiếm 10% và Thái Lan là 7%, Trung Quốc đạt tỷ trọng lớn nhất với 20%.

Do đó, đây là giai đoạn để các nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản Việt Nam mua những tài sản giá rẻ. Ông John Augustin chia sẻ đã không ít doanh nghiệp Việt Nam chào bán các dự án khách sạn đang triển khai cho The Everly Group.

Trong vai trò là một nhà đầu tư kiêm cổ đông tại Khách sạn Metropole, ông Andy Ho -  Giám đốc Điều hành Quỹ VOF, thuộc Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh nếu có những cơ hội đầu tư vào khách sạn 5 sao đang hoạt động hiệu quả, đơn vị này sẽ không từ bỏ cơ hội. Sau khi thoái vốn khỏi Khách sạn Legend (Tp.HCM), VinaCapital cũng đang tìm đối tác để bán lại cổ phần tại Khách sạn Metropole Hà Nội. Ngoài ra, khách sạn New World và Le Meridien Sài Gòn tại Tp.HCM cũng cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư mới.

  • 0
  • By Admin
  • 28/04/2014
  • 17