Nhiều quy định “trói” kênh bất động sản
Ràng buộc người góp vốn chỉ được nhận một nhà là vô lý, hợp đồng mua bán phải thêm phần công chứng là đẻ thủ tục, loại bỏ nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm chủ đầu tư cấp II quá nghiệt ngã, có hồi tố những quy định về góp vốn, quản lý dạng ủy quyền nhà trước ngày 8-8… Đó là những ý kiến của DN bất động sản nêu ra trong hội thảo góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 do Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM tổ chức chiều 31-8.
Nhiều quy định chưa rõ
Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, nêu ra hàng loạt vấn đề bất cập chưa rõ trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71. Sở kiến nghị chín nội dung mà thông tư cần làm rõ. Như tính đến ngày 8-8, chủ đầu tư cấp I đã bán hết 20% sản phẩm không thông qua sàn rồi thì xử lý sao? Giờ dự án của chủ đầu tư cấp II (chuyển nhượng một phần dự án của chủ đầu tư cấp I) có được bán tiếp 20% sản phẩm không thông qua sàn không? Hay khi thi công xong móng có cho bán sỉ không? Rồi việc ủy quyền, quản lý, sử dụng, trông coi nhà ở chưa xây dựng đã thực hiện trước ngày 8-8 (ngày Nghị định 71 có hiệu lực) có còn hiệu lực?…
Đại diện Công ty Bất động sản Phát Đạt nói việc thông tư hướng dẫn lập hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai sắp tới phải thêm phần công chứng là không cần thiết. Đại diện DN này phân tích hiện việc mua bán, chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai trên thị trường của khách hàng chỉ cần có văn bản xác nhận của chủ đầu tư và đóng thuế thu nhập cá nhân do cơ quan thuế xác nhận là hoàn tất.
DN bất động sản TP góp ý về những bất cập trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71. (Ảnh chụp chiều 31-8) Ảnh: M.THẢO
Về việc này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thuduc House, cũng cho rằng không cần thiết thêm phần công chứng trong hợp đồng chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai của khách hàng vì chỉ làm phát sinh đầu việc cho các bên liên quan trong kênh bất động sản mà thôi.
Rối… toàn tập
Một nội dung khác nhiều DN tranh nhau góp ý chính là quy định trong thông tư hạn chế ở mỗi tỉnh, thành phố mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được góp vốn mua một căn nhà và không được chuyển nhượng. DN góp ý thông tư quy định như vậy là chính sách không nhân đạo. Nhiều DN dẫn chứng cụ thể về nội dung này. Ví dụ nếu có cá nhân góp vốn mua căn hộ ở quận 1 nhưng sau đó chuyển về quận Tân Phú làm việc thì chả lẽ không được chuyển nhượng căn hộ. Rồi lỡ khi góp vốn mà gia đình kẹt tiền hay gặp sự cố về tài chính mà không được chuyển nhượng thì gia đình xoay sở sao.
Không chỉ vậy, nhiều quy định khác được DN đặt ra cho thấy nội dung thông tư hướng dẫn chưa chặt chẽ. Như cấm các sàn giao dịch bất động sản gom sỉ bán lẻ. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Vinaland, phân tích quy định này về thực tế các sàn giao dịch đối phó được vì chỉ cần tách hoạt động môi giới với hoạt động đầu tư ở sàn ra. Hay một vấn đề DN đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia làm chủ đầu tư cấp II. Cụ thể, quy định trong thông tư có nói chủ đầu tư dự án bất động sản cấp I có thể chuyển nhượng một phần dự án cho chủ đầu tư cấp II. Tuy nhiên ở đây nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì không thể tham gia làm chủ đầu tư cấp II. Vì pháp luật về đầu tư hiện quy định nếu là nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư dự án bất động sản ở Việt Nam thì phải có dự án đầu tư rồi mới được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Đó là chưa kể nhà đầu tư ngoại chỉ được thuê đất…
Có mặt tại hội thảo nhưng ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN, Sở Xây dựng, hiệp hội và cố gắng trong sáng mai sẽ đệ trình ngay cho bộ trưởng để nếu có thay đổi thì sửa luôn trước khi bộ trưởng ký.
Sẽ có sửa đổi một số nội dung . Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng quy định hợp đồng góp vốn mua nhà ở hình thành trong tương lai phải thêm phần công chứng sẽ gây phiền hà, rắc rối. Như vậy trước khi ký ban hành thông tư, ban soạn thảo có kiến nghị bỏ nội dung này không?
. Thưa ông, như vậy các hợp đồng mua bán nhà ở trước đây dưới dạng hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư… có bị hồi tố? + Những hợp đồng dạng này không bị hồi tố. Nhưng sẽ phải chuyển sang tên gọi mới là hợp đồng mua nhà hình thành trong tương lai. Việc này nếu DN nào chưa rõ hay vướng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ có công văn hướng dẫn. . Những hợp đồng dạng ủy quyền quản lý trông coi, sử dụng, bán, thuê, định đoạt nhà ở theo thông tư sẽ không còn hiệu lực. Vậy những hợp đồng dạng này ký trước ngày 8-8 thì thế nào, thưa ông? + Vẫn có hiệu lực như cũ, không bị hồi tố. . Các ý kiến góp ý việc khống chế mỗi cá nhân, hộ gia đình ở tỉnh, thành phố chỉ được mua một sản phẩm và không được chuyển nhượng là bất hợp lý. Nội dung này có thay đổi không, thưa ông? + Phải hiểu thế này: 20% sản phẩm bán không qua sàn và hạn chế người mua về sở hữu, chuyển nhượng như nêu trên là do có chuyện ở Hà Nội từng có những trường hợp người góp vốn được mua ưu tiên, sau đó bán chênh lệch thu lợi nhiều. Nhưng theo tôi việc này hình như chỉ có ở Hà Nội, còn ở các tỉnh, thành khác ít có thấy. Vì thế có thể nội dung này chúng tôi kiến nghị ban soạn thảo sẽ sửa đổi hướng cho các tỉnh, thành tự quyết. |
(Theo PLTPHCM)
- 138
- By Admin
- 01/09/2010
- 17