• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhiều nhà thầu xây dựng chờ… phá sản

Bùng phát chuyện nhà thầu đi kiện

Theo đại diện một số doanh nghiệp xây dựng, chuyện nhà thầu thi công xây dựng phải công khai khiếu nại chủ dự án hoặc lôi nhau ra tòa để đòi nợ là chuyện “cực chẳng đã”. Thế nhưng, khi mọi phương án thu hồi công nợ đều thất bại, họ đã phải công khai lên tiếng hoặc kéo nhau ra tòa để nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi.

Mới đây nhất, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (LGL) đã khởi kiện CTCP Bất động sản AZ (AZLand) ra TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội), vì không thể đòi được số tiền trên 1,8 tỷ đồng từ gói hợp đồng khoan cọc nhồi thí nghiệm Chung cư CT1 AZ Vân Canh.

Việc AZLand bị nhà thầu thi công khởi kiện trong thời điểm này không khiến nhiều người bất ngờ. Nếu theo dõi hoạt động của AZLand trong một năm qua, thì thấy việc AZLand không thể trả được số tiền nợ ít ỏi cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, nhiều dự án do AZLand làm chủ đầu tư bị đình trệ, trong khi Công ty liên tục bị các nhà đầu tư khiếu nại, đòi rút vốn, khiến tình hình tài chính của AZLand ngày càng trở nên bi đát.

Nhiều nhà thầu xây dựng chờ… phá sản | ảnh 1

Theo một đại diện của LGL, việc khởi kiện đối tác là “cực chẳng đã”. Thế nhưng, bản thân nhiều nhà thầu thi công cũng chịu sức ép đòi nợ từ các đơn vị đối tác. Trong khi không thể đòi được nợ, để bảo vệ đồng vốn, LGL đã phải khởi kiện AZLand ra tòa để được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Trước đó, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp năng lượng cũng có thư kêu cứu đến cơ quan truyền thông, “tố” CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) chây ỳ việc trả nợ số tiền lên đến trên 11 tỷ đồng, là tiền thi công lắp đặt hệ thống điều hòa, thông gió Dự án Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông.

Theo đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghiệp năng lượng, dự án đơn vị này thi công đã đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011 và được phía đối tác phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, số tiền còn lại của hợp đồng thì chủ đầu tư né tránh chưa chịu trả.

Nhiều nhà thầu xây dựng chờ… phá sản

Từ đầu năm, không thu hồi được các khoản nợ của chủ đầu tư khiến một công ty xây dựng tên tuổi đứng ngồi không yên vì cạn vốn và gánh thêm khoản lãi vay ngân hàng.

Ông N.T, Tổng giám đốc công ty nói: “Hầu hết công trình chúng tôi đang nhận thi công phải giãn tiến độ trong đó nhiều công trình đã dừng hẳn thi công để giảm áp lực vốn. Công trình dừng có nghĩa là hàng trăm công nhân phải nghỉ việc. Nếu chủ đầu tư vẫn không giải ngân thì sắp tới cả khối hành chính cũng sẽ bị cho thôi việc tạm thời vì công ty không còn tiền trả lương nhân viên”.

Theo ông T, tình trạng công trình cũ xây dựng dở dang, trong khi không nhận được thêm dự án mới vì áp lực cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài khiến các nhà thầu trong nước chỉ còn biết chờ chết. “Điều tôi băn khoăn nhất vẫn là việc cho công nhân nghỉ việc, bởi có những công nhân làm với chúng tôi cả chục năm trời, gia đình sống dựa vào đồng lương của họ”, ông T nói.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang rơi vào tình trạng khó khăn, do khoản nợ đọng của các công trình mà Tổng công ty thi công lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của LILAMA nhỏ, doanh thu hằng năm khoảng 15.000 tỷ đồng, vốn hoạt động chủ yếu vay ngân hàng nên ảnh hưởng nhiều đến tình hình thi công các gói thầu. Các công trình xi măng nợ 284 tỷ đồng, công trình thủy điện 210 tỷ đồng và các công trình khác 68 tỷ đồng. Trong tổng số 11 gói thầu mà Tổng công ty đang thi công, 16,51% công trình, gói thầu bị giãn tiến độ; 5,28% công trình, gói thầu bị đình hoãn thi công.

công ty CP Xây dựng 47 cũng đang rơi vào tình cảnh nợ đọng của chủ đầu tư khi đảm nhận thi công nhiều công trình thủy lợi địa phương. Tổng khoản nợ 514 tỷ đến nay của chủ đầu tư khiến công ty rơi vào tình cảnh khó khăn khi phải trả lãi ngân hàng, thi công và trả lương công nhân.

Lãnh đạo công ty nói: “Khoản nợ đọng của công ty do các công trình có sử dụng nguồn vốn tín dụng thương mại, nhất là các công trình thủy điện như Srêpốk 4A, Sông Bung4A… gặp khó khăn trong việc huy động vốn thanh toán. Công trình Đồng Nai 4 thanh toán chậm do thiếu vốn, việc tạm giữ khối lượng thanh toán chờ quyết toán và bảo hành công trình khá lớn”.

Theo vị lãnh đạo này, bên cạnh những khó khăn vì chủ đầu tư nợ đọng, doanh nghiệp còn chịu áp lực khi các công trình lớn, khối lượng chủ yếu là bê tông cần nhiều công nhân xây lát nhưng không đủ nguồn tuyển dụng do công nhân bỏ việc nhiều vì công ty nợ lương công nhân. Đặc biệt, công tác đấu thầu tìm kiếm việc trong quý I-2012 ít, do các đơn vị khác cùng ngành thiếu việc làm nên giảm giá nhiều khi cùng tham gia đấu thầu. công ty đang thực hiện 19 gói thầu công trình nhưng số công trình hoãn và giãn tiến độ chiếm hơn một nửa.

Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 45 công trình, nhưng do nợ đọng của chủ đầu tư nên số lượng công trình giãn tiến độ là 30 và hoãn là 5, gây thiệt hại cho Tổng công ty hàng trăm tỷ đồng. “Khi chủ đầu tư không có tiền giải ngân cho nhà thầu thì vô hình trung đẩy nhà thầu vào thế bí giữa một bên là lãi ngân hàng, một bên là lương công nhân. Nếu tình trạng này kéo dài thì số lượng công trình bị đình hoãn sẽ tăng và có hàng nghìn công nhân bị mất việc”, đại diện Tổng công ty nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, các nhà thầu xây dựng càng gặp nhiều rủi ro. Đối với các dự án đầu tư công, nhà thầu còn gặp rủi ro nhiều hơn, vì thời gian giải ngân có thể kéo dài. Thực tế, theo TS. Liêm, nhà thầu chính thường san sẻ rủi ro cho các nhà thầu phụ. Trong khi đó, các nhà thầu phụ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và yếu về tài chính. Khi thị trường khó khăn, các nhà thầu đối diện với nguy cơ có thể phá sản bất cứ lúc nào, nên phương án kiện tụng được tính đến.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp xây dựng có tiếng tại Hà Nội cho hay, trong nhiều trường hợp, chính các nhà thầu thi công cũng bị phía đối tác cung cấp vật liệu đòi nợ, khiếu kiện, dẫn tới việc nhà thầu phải tìm mọi cách để đòi nợ chủ dự án.

Do không bán được nhà và không có tiền trả nhà thầu, không ít chủ đầu tư đã phải gán nhà đổi chi phí thi công hay tiền vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu có tiềm lực tài chính không đủ mạnh, nếu chủ dự án không có tiền chi trả, doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, thậm chí phá sản.

Cũng theo vị đại diện trên, việc công khai khiếu nại hay lôi nhau ra tòa để đòi nợ là việc “cực chẳng đã”. Vì sau đó, quan hệ đối tác làm ăn sẽ không còn. Thế nhưng, nếu thị trường không sớm khởi sắc, chủ dự án không bán được hàng, thì nhiều nhà thầu vẫn phải tính đến chuyện kiện tụng để đòi tiền từ đối tác.

(Theo ĐTCK)

  • 0
  • By Admin
  • 16/06/2012
  • 17