• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhiều khách hàng đứng ngồi không yên vì mua nhà nơi làm việc

Nhiều khách hàng giải quyết sự vụ bằng việc khởi kiện ra toà án, nhưng cũng có vụ việc “giải quyết nội bộ” bằng những thoả thuận liên quan…

Nhiều khách hàng đứng ngồi không yên vì mua nhà nơi làm việc | ảnh 1

Đưa “Thuỷ tinh” ra toà

Năm 2007, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (nay là Tổng công ty Viglacera) ký công văn (số 125) với tinh thần bán nhà cho khách với đơn giá 8 triệu đồng/m2 và đơn giá hoàn thiện là 3,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, đến nay, khi hết thời hạn huy động vốn đã lâu nhưng Viglacera vẫn không đả động đến quyền lợi của người góp vốn. “Đến nay chúng tôi chỉ nhận được thông báo yêu cầu thanh lý hợp đồng chứ không phải việc bàn giao nhà như cam kết”, một khách hàng phản ánh với phóng viên.

Theo đề nghị của khách hàng, ngoài việc được mua nhà theo giá đề cập trong công văn số 125, nhóm khách hàng yêu cầu chủ dự án phải tính lãi suất tiền huy động vốn (tương đương 20% giá trị hợp đồng) theo lãi suất ngân hàng trong thời gian quá hạn thỏa thuận huy động vốn.

Khi “lệnh” 125 đã được Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera ký, nhiều khách hàng huy động bằng các nguồn, thậm chí vay mượn để nộp hàng trăm triệu đồng cho Viglacera để được quyền mua nhà với đơn giá 8 triệu đồng/m2 đất và đơn giá hoàn thiện là 3,5 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, 4 năm sau, “đơn giá” này lại bị chủ đầu tư điều chỉnh theo hướng tăng lên, theo đó Viglacera không chấp nhận bán nhà theo giá cũ, mà đòi thanh lý hợp đồng huy động vốn và bán theo giá thị trường lên đến 34 triệu đồng/m2.

Nhiều khách hàng cho hay, kiện chủ đầu tư là việc làm không hay ho, nhưng trong khi xung đột quyền lợi chưa được giải quyết thì phán quyết của toà án sẽ có hiệu lực pháp lý trong câu chuyện tranh chấp này.

Khách hàng tên T cho hay, với việc Viglacera quyết tâm bán nhà tại Dự án Xuân Phương với giá 34 triệu đồng/m2 và áp dụng đơn giá xây dựng trên 9 triệu đồng/m2 là vi phạm nghĩa vụ dân sự theo tinh thần công văn số 125, không thực hiện đúng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà theo đúng nội dung công văn này.

Trước đó, hàng trăm khách hàng đã căng băng rôn “quây” trụ sở tổng công ty này “tố” chủ đầu tư lật kèo, cũng tại dự án Xuân Phương do Viglacera làm chủ đầu tư.

“Nhất lộc phát” cũng trễ hẹn

Chưa đến mức lôi nhà ra toà, nhưng hàng chục cán bộ, công nhân viên làm việc tại Công ty cổ phần điện tử Giảng Võ cũng đang đứng ngồi không yên, bởi, 11 năm trước, năm 2001, nhiều người đã đưa tiền nộp cho lãnh đạo doanh nghiệp này để mua đất theo diện nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty.

Phiếu thu của bà N.T.K thể hiện, ngày 30/3/2001, kế toán Công ty cổ phần điện tử Giảng Võ đã lập phiếu thu 15 triệu đồng đối với bà K, nội dung thể hiện trong phiếu thu là “thu tiền đất - đợt 1”.

Những người nộp tiền mua đất gọi việc đóng tiền rồi nhưng không có đất là “bức xúc nhất” và “nghiêm trọng”. Bởi, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã huy động vốn sai mục đích, ra quyết định thu tiền của cán bộ, công nhân viên trong công ty từ năm 2001 nhưng đến nay lại không giải quyết.

Theo tính toán của những cán bộ tại đây, lãnh đạo công ty này đã thu tiền của 47 người với số tiền lên đến 750 triệu đồng, tương đương với 150 cây vàng tại thời điểm đó.

Hiện tại, khu đất 168 phố Ngọc Khánh, như giới đầu tư vẫn gọi là “nhất lộc phát”, trụ sở của Công ty cổ phần điện tử Giảng Võ đang được nhiều doanh nghiệp khác thuê lại, trong khi doanh nghiệp này đi thuê tại phố Đội Cấn.

Ông Khúc Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử Giảng Võ cho hay, việc thu tiền để bán nhà cho cán bộ công nhân viên trong công ty là có thật. Khu đất làm nhà cho cán bộ, công nhân viên dự kiến là ở tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng khi tỉnh này nhập về Hà Nội, mọi thủ tục phải điều chỉnh lại, quá trình thực hiện bị gián đoạn…

(Theo PLVN)

  • 131
  • By Admin
  • 27/06/2012
  • 17