• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhiều dự án đường cao tốc có nguy cơ đi vào "bế tắc"

Bế tắc toàn phần

Trái ngược với kỳ vọng, cuộc họp cấp thứ trưởng 3 Bộ: Tài chính – Giao thông Vận tải (GTVT) – Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hôm 11/1/2011 bàn giải pháp nối lại việc bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình  (TPCT) cho VEC diễn ra bế tắc tới mức 2 tuần sau khi cuộc họp diễn ra, các bên hiện vẫn không thể thống nhất được nội dung biên bản để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, vào cuối tháng 12/2010, Bộ Tài chính đã có thông báo tạm dừng bảo lãnh TPCT của VEC và yêu cầu nhà đầu tư này tự huy động các nguồn vốn khác để xây dựng nốt các hạng mục dang dở tại Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Lý do Bộ Tài chính có yêu cầu nói trên là do hệ số nợ/vốn điều lệ của VEC hiện đã rất cao và nhà đầu tư này không đảm bảo được quy định phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư Dự án như yêu cầu tại Nghị định số 01/2011/NĐ – CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Hiện, VEC chỉ được nhà nước cấp 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong khi tổng mức đầu tư vốn tại 3 dự án xây dựng đường cao tốc mà đơn vị này làm chủ đầu tư theo phương thức BOO là 43.968 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của VEC dự báo sẽ lên tới 103 lần sau khi Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Đà Nẵng – Quảng Ngãi hiện đã được nhà đầu tư này thu xếp xong vốn bước vào giai đoạn thi công.

Không chỉ khiến tiến độ xây dựng đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 56 km bị vỡ tiến độ thông xe vào tháng 6/2011, việc thiếu vốn còn có thể gây lãng phí rất lớn khi hàng ngàn tỷ đồng mà nhà đầu tư đã huy động đưa vào công trình từ năm 2006, trong đó có 1.400 tỷ đồng TPCT, sẽ trở thành những đống sắt, thép, bê tông vô giá trị.

“Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, Bộ Tài chính nên đề xuất với Chính phủ ứng tiếp ngân sách để thi công dứt điểm công trình. Sau khi lãi suất trở về mức hợp lý, Bộ Tài chính sẽ bảo lãnh để VEC phát hành trái phiếu huy động vốn trả nợ”, ông Phạm Thế Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC đề xuất.

Chia sẻ  với khó khăn của VEC - doanh nghiệp đặc biệt do Thủ tướng quyết định thành lập với nhiệm vụ đầu tàu trong phát triển hệ thống đường cao tốc, ông Trần Đức Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ KH & ĐT cũng cho rằng, việc dừng bảo lãnh sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bất chấp trước nguy cơ phải dừng dự án, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình khi khẳng định: chỉ có thể nối lại bảo lãnh sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù trong Quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ nguồn vốn đầu tư bằng trái phiếu công trình có Chính phủ bảo lãnh. Bên cạnh đó, khả năng tiếp tục ứng vốn ngân sách cho Dự án như chính Bộ này đã làm trước đây cũng bị bác bỏ.

“Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang đứng trước nguy cơ dừng thi công vô thời hạn. Ngoài tính pháp lý rất bấp bênh, việc phải huy động hàng ngàn tỷ đồng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn sẽ khiến bài toán tài chính của Dự án vốn dĩ rất mong manh sẽ bị phá vỡ”, ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT bình luận.

Trong khi đó, giải pháp căn cơ để giải quyết vướng mắc trên là bổ sung thêm 13.158 tỷ đồng vốn điều lệ cho VEC bằng nguồn vốn ngân sách hoặc quyền sở hữu 2 tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Bắc Ninh cũng không được Bộ Tài chính đồng ý.  

Không đột phá không xây nổi đường cao tốc

Cũng phải nói thêm rằng, nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng giữa vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển đường cao tốc của VEC thực ra đã được Chính phủ nhận thức đầy đủ và có giải pháp xử lý hợp lý.

Được biết, với hy vọng tạo một bước đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển đường cao tốc, ngày 10/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1202/QĐ – TTg ngày về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC đầu tư. Cùng với việc bổ sung vốn điều lệ theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của VEC, Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm bảo lãnh thanh toán trái phiếu trong và ngoài nước do nhà đầu tư này phát hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất biện pháp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giúp nhà đầu tư thu hồi vốn.

Theo các chuyên gia, những cơ chế này hoàn toàn không có gì  khác biệt so với những đề xuất mà Bộ Tài chính “mở” cho VEC tại cuộc họp hôm 11/1: báo cáo Thủ tướng xin miễn trừ cho điều kiện về vốn chủ sở hữu và cơ chế phát hành trái phiếu để đảo nợ.

Cũng phải nói thêm rằng, so với 2 mô hình doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư phát triển mạng đường cao tốc khác như:  Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, những cơ chế mà VEC được hưởng không hề ưu đãi hơn.

“Việc VEC trong 5 năm qua đã huy động được 103.256 tỷ đồng cho 5 dự án đường cao tốc với chiều dài 560 km, có tỷ suất nội hoàn tài chính thấp nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao đã khẳng định nếu không có đột phá trong cơ chế huy động vốn sẽ không xây dựng được mạng đường cao tốc quốc gia”, ông Hùng đánh giá.

“Việc Bộ Tài chính hồi tố các quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 không chỉ khiến nhà đầu tư này bị “việt vị” mà còn ảnh hưởng lớn tới mô hình VEC được Thủ tướng cho phép thành lập trên cơ sở sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan”, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đánh giá.

(Theo Đầu tư)

  • 0
  • By Admin
  • 20/01/2011
  • 17