Nhiều bất cập trong điều chỉnh chỉ số giá công trình xây dựng
Tuy nhiên, thời gian qua, việc công bố chỉ số giá chưa kịp thời, chưa sát với thực tế và còn nhiều tồn tại, đặc biệt thời điểm bão giá lịch sử cuối 2007, đầu 2008 dẫn đến các chủ đầu tư khi vận dụng hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông.Hiện nay, phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng tại các dự án ngành GTVT trước khi có Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư 06/2007/TT-BXD hướng dẫn Hợp đồng trong hoạt động xây dựng rất khác nhau. Đối với nhóm các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, một trong những điểm ưu việt là trong hồ sơ mời thầu đã có công thức tính trượt giá.
Tuy nhiên trên thực tế ở mỗi dự án công thức này đã có sự khác nhau thậm chí ngay trong một dự án cũng đã không thống nhất trong cách tính. Lấy ví dụ cụ thể tại 3 dự án là: Gói thầu 1A (QL18 mở rộng đoạn Nội Bài - Bắc Ninh), Gói thầu 2A xây dựng 9 cầu (Dự án khôi phục các cầu trên QL1 giai đoạn III đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và Gói thầu S1 đường tránh thành phố Thái Bình (Dự án vốn dư QL 10 giai đoạn II) thấy rằng mỗi gói thầu lại có một hệ số cố định không được tính trượt giá khác nhau.
Với Gói thầu 1A: 36%, Gói thầu 2A: 20%, nhưng Gói thầu S1 chỉ 10%. Điều này là không phù hợp với bản chất của công thức tính trượt giá vì phần hệ số không được điều chỉnh ở đây chính là chi phí quản lý chung và lợi nhuận trong khi theo quy định của FIDIC thì hệ số này trong khoảng từ 5% đến 15%.
Việc không thống nhất trong công thức tính trượt giá đã gây ra sự không công bằng cho nhà thầu thi công nếu cùng một nhà thầu cùng một khu vực thi công tương tự và trong cùng dự án ODA thì lại cho những kết quả khác nhau khi tính trượt giá.
Đơn cử, nếu một nhà thầu bỏ giá cho hạng mục nhựa đường tại thời điểm mở thầu (tháng 7 năm 2004) là 4.200đ/kg và giá nhựa tại thời điểm tháng 12/2007 là 11.500đ/kg vậy nhà thầu sẽ được bù như sau: Nếu tính bằng cách bù trừ trực tiếp thì giá trị sẽ được bổ sung thêm 2,7 lần; Nếu áp dụng công thức Gói thầu 1A thì giá trị sẽ được bổ sung thêm là 1,5 lần; Nếu áp dụng công thức Gói thầu S1 thì giá trị sẽ được bổ sung thêm là 1,8 lần. Những điều này có thể minh chứng rõ là mặc dù công thức tính trượt giá tại các dự án ODA đã phần nào bù đắp được chi phí mà nhà thầu đã bỏ ra để thi công công trình nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa cũng rất bất cập là giá dự toán phê duyệt (giá trần) của các dự án ODA được tính toán trên cơ sở định mức, đơn giá trước đây cũng như hiện hành của Việt Nam “giá cố định” theo giá thị trường tại một thời điểm cố định (thời điểm phê duyệt) và không có dự phòng cho việc biến động giá. Vì vậy, việc yêu cầu giá trúng thầu thấp hơn giá trần, đồng thời phải dự phòng biến động giá trong vòng 1 năm là chưa hợp lý.
Với quy định này đã dẫn đến hàng loạt nhà thầu bị thua lỗ nặng nề khi giá thị trường tăng mạnh, đặc biệt trong những năm từ 2004 - 2008, thậm chí các nhà thầu vừa bỏ thầu đã bị thua lỗ dẫn đến tình trạng không có khả năng thực hiện hợp đồng thầu hoặc giá dự thầu cao hơn giá dự toán được phê duyệt dẫn đến phải xử lý tình huống trong đấu thầu.
Ngoài việc sau 1 năm mới được điều chỉnh giá trong hồ sơ mời thầu các dự án trên quy định chỉ những hạng mục chính (là hạng mục có giá trị lớn hơn 1%, 2%, 5% giá trị hợp đồng tùy theo từng hợp đồng quy định) mới được phép tính trượt giá cũng đã gây ra nhiều thiệt thòi cho nhà thầu trong tính trượt giá vì trong một hợp đồng có rất nhiều hạng mục cấu thành lên giá bỏ thầu và những hạng mục này có tính chất hoặc vật liệu tương tự với những hạng mục chính nhưng do không phải là hạng mục chính (có giá trị nhỏ hơn quy định) nên không được tính trượt giá.
Với các dự án sử dụng vốn trong nước trước thời điểm của Nghị định 99 /2007/NĐ- CP ra đời thì cách tính điều chỉnh giá trị hợp đồng không có quy định và chỉ khi có biến động giá mới thực hiện bù trừ trực tiếp và chỉ có một số loại vật liệu được điều chỉnh như: nhựa đường, sắt thép, hoặc điều chỉnh nhân công, máy theo các thông tư do Bộ Xây dựng hướng dẫn.
Việc điều chỉnh chi phí vật liệu theo phương pháp bù trừ chi phí vật liệu trực tiếp sẽ phải sử dụng đến công bố giá vật liệu xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo. Tuy nhiên, để lấy được các thông báo giá vật liệu của địa phương là rất khó khăn do Liên Sở Tài chính - Xây dựng của một số địa phương chỉ ra thông báo 1 quý một lần hoặc 1 tháng 1 lần, nhưng trên thực tế có những loại vật liệu tại một số thời điểm tăng giảm từng tuần thậm chí là từng ngày, mặt khác thông báo giá vật liệu của địa phương thường thấp hơn giá thực tế trên thị trường. Để an toàn một số chủ đầu tư thường yêu cầu nhà thầu chấp nhận lấy theo giá địa phương và như vậy là nhà thầu đã phải gánh một khoản lỗ không đáng phải gánh.
Nếu muốn lấy được giá phù hợp với thị trường thì theo quy định chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ chứng từ, hoá đơn hợp lệ để xác định giá vật liệu xây dựng và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác. Vậy là “quả bóng” xác định giá giờ lại được đẩy sang trách nhiệm của chủ đầu tư.
Mặc dù vậy, phía chủ đầu tư do không thể kiểm soát được chứng từ, hoá đơn hợp lệ nên thường không áp dụng điều chỉnh giá theo phương pháp này do có tính rủi ro cao. Hơn nữa, chủ đầu tư tại các công trình GTVT không phải là những ông chủ thực sự (chủ yếu quản lý nguồn vốn nhà nước) nên việc xác nhận giá theo thị trường cho nhà thầu rất phức tạp, tốn nhiều công sức và gặp nhiều khó khăn khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên phương pháp này ít được thực hiện./.
(Theo GTVT)
- 0
- By Admin
- 03/11/2010
- 17