Nhiều băn khoăn về “nhạc trưởng” đô thị
Trong đó, nổi cộm nhất là quy định về vai trò của Kiến trúc sư trưởng thành phố (KTST). Thậm chí, có ý kiến cho rằng, không nên đưa chức danh KTST vào luật trong khi các vấn đề liên quan còn chưa rõ ràng.
Nhạc trưởng “diễn” một mình!
Theo ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo, với tốc độ đô thị hóa, trình độ văn minh đô thị, các vấn đề quản lý như hiện nay, cần một “nhạc trưởng” để có chiến lược quản lý đô thị, tư vấn cho Chủ tịch UBND thành phố. KTST là cho tất cả các thành phố, trước mắt là cho các đô thị trực thuộc Trung ương, chứ không riêng gì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, cần có giải pháp, thiết kế riêng cho quan hệ giữa KTST và Sở Quy hoạch - Kiến trúc của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Trần Ngọc Chính nói: “Vấn đề này Bộ Xây dựng đang bàn. Có thể chuyển Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Văn phòng KTST vì bản chất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc là văn phòng KTST cũ. Song, chuyển như thế nào cũng là việc phải bàn. Cuối tháng 4-2009, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội lần cuối trước khi đưa dự thảo Luật Quy hoạch đô thị ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5”.
PGS-TS-KTS Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mô hình Sở (Tổng Sở) Quy hoạch - Kiến trúc mới là tổ chức đủ mạnh để quản lý được đô thị. “Nếu là KTST, là nhạc trưởng thì cũng cần phải có một dàn nhạc với nhiều nhạc công sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau. Một nghệ sỹ biểu diễn đơn độc không thể gọi là nhạc trưởng được. Luật Quy hoạch đô thị muốn đi vào thực tế, muốn quản lý được hiệu quả thì trước hết hãy bàn đến việc hình thành tổ chức quản lý kiến trúc - quy hoạch hợp lý nhất. Còn thực tiễn khi có điều kiện, có người tài hãy tôn vinh họ là KTST” - ông Hy nói.
Mò kim đáy bể?
Nguyên là KTST của thành phố Hà Nội, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, có ý kiến cho rằng, không nên đưa quy định KTST vào Luật Quy hoạch đô thị bởi còn quá nhiều vấn đề chưa rõ, đây cũng không phải là vấn đề liên quan đến tất cả các đô thị.
Một số ý kiến khác cũng không tán thành KTST là một chức danh độc lập hay cơ quan độc lập. Với thực tế quản lý công tác quy hoạch - kiến trúc và cũng đã kinh qua chức danh KTST, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, tốt nhất KTST là chức danh đứng đầu (Chủ tịch) Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch và cần phải làm rõ về trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng này.
Điều mà các đô thị cần đó là những chuyên gia có đủ năng lực, đủ trách nhiệm để tư vấn cho UBND TP về đồ án quy hoạch, định hướng phát triển, cách ứng xử với các công trình quan trọng, di sản đô thị... “Hà Nội đã nhiều lần có ý kiến về việc này. Thành phố đã từng tính đến việc có KTST cho từng đường phố, từng khu vực đô thị nhưng không tìm được người thích hợp. Từ đó có thể thấy tìm một KTST với kỳ vọng lớn như dự thảo đã đưa ra là việc mò kim đáy bể” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Góp ý về chức danh KTST, TS Nguyễn Hoàn có quan điểm: nên bỏ! Ông cho rằng, đây là một chức danh không rõ ràng về nhiệm vụ, vị trí của chính nó trong bộ máy Nhà nước và tổ chức dân sự. Đã có bài học về chức danh này sau khoảng 10 năm hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Kiến trúc sư trưởng nên làm tư vấn
UBND TP Hà Nội có Văn bản số 2080/UBND-XD tham gia ý kiến Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị gửi ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa VII. Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, khi còn chưa đủ căn cứ và cơ sở khoa học để khẳng định mô hình KTST có hiệu quả, mặt khác mô hình này đã thí điểm trong 10 năm nhưng chưa thành công, do đó chưa nên quy định quá cứng bằng việc đưa vào Luật.
Vì vậy, đề nghị bỏ điều 18 trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Trước mắt, có thể giao Chính phủ triển khai thí điểm mô hình khác với mô hình đã thí điểm trước đây. Hà Nội đề xuất mô hình KTST làm “tư vấn” cho Chủ tịch UBND TP, không làm chức năng quản lý Nhà nước và có thể kiểm nghiệm Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành thuộc thành phố.
- 0
- By Admin
- 10/04/2009
- 17