Nhiều KĐTM tại Hà Nội, Tp.HCM bỏ quên hạ tầng xã hội
Không chỉ là ách tắc giao thông, môi trường bị ô nhiễm, cư dân ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội còn khốn khổ vì các trường học, bệnh viện đang bị quá tải, các khu vui chơi giải trí thiếu trầm trọng.Nhưng, lẽ ra thay thế các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời khỏi nội đô là các trường học, khu vui chơi giải trí, thì tại đó hầu như lại là các chung cư cao tầng; còn các khu đô thị mới - kể cả đô thị kiểu mẫu - thì hạ tầng xã hội thường... bị quên đi. Hậu quả, mọi thứ ngày càng thêm quá tải và lộn xộn. Vậy trách nhiệm của chính quyền, các bộ, ngành liên quan đến đâu?
PGS-TS Nguyễn Hồng Thục – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư – đánh giá: “Trên 700 khu đô thị mới trong cả nước đang được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng (DVCC) tối thiểu như trường học, khu hành chính dân cư, công viên, chợ, phòng khám, bệnh viện..., đã làm cho hoạt động tại chỗ của đô thị thực sự bế tắc. Hậu quả, sáng ra, toàn bộ dân cư ở đây đến trường học, bệnh viện, chợ... ở các trung tâm cũ và chiều tối là dòng người ngược lại, gây ách tắc giao thông, mua bán tại vỉa hè, đô thị thật sự hỗn độn.
Từ TP.Hồ Chí Minh...
Khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội), trẻ em đang phải học nhờ các trường bên ngoài. Ảnh: Kỳ Anh |
Khu đô thị mới Nam Sài Gòn được quy hoạch với tổng diện tích 2.600ha, trong đó khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có tiếng là quy hoạch đẹp. Tuy nhiên, sau 15 năm hình thành, tỉ lệ lấp kín trong một vài dự án đã lên đến 70-90%, nhưng hệ thống hạ tầng xã hội của toàn khu hiện nay có thể nói là chưa có gì đáng kể. Hiện trên toàn địa bàn khu đô thị mới Nam Sài Gòn chỉ có thêm đúng một bệnh viện được xây dựng. Tuy nhiên, đó lại là bệnh viện FV do nước ngoài đầu tư, người thu nhập bình thường chắc chắn không dám bước chân vào bệnh viện này để được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, cư dân của khu đô thị mới Nam Sài Gòn nếu có nhu cầu thì chỉ có thể đến các bệnh viện lân cận như Bệnh viện quận 7, quận 8...
Về hệ thống trường học các cấp ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn không thiếu. Vấn đề ở đây là hệ thống trường học này không nhắm đến số đông dân cư đang sinh sống tại đây. Ở khu đô thị mới này, hệ thống trường học các cấp có trường Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều trường quốc tế khác; ở hệ đại học có Trường Đại học RMIT. Nhưng chắc chắn người có thu nhập trung bình sẽ không có đủ khả năng tài chính cho con em theo học trong các trường này. Vì vậy, những cư dân bình thường ở trong các khu đô thị mới ở này chỉ còn cách cho con em đi học trên địa bàn các khu vực lân cận.
Khu vực trọng điểm phát triển đô thị thứ hai ở Tp.HCM là địa bàn quận 2 và quận 9 (khu Đông Sài Gòn) tình hình cũng chẳng có gì khá hơn. Trên địa bàn 2 quận này, trong vòng 5 năm trở lại đây chưa có bệnh viện nào được xây dựng mới... Hệ thống trường học thì chủ yếu dành cho người thu nhập cao.
Có thể khẳng định, trong các khu đô thị mới trên địa bàn Tp.HCM, những dự án có quy mô từ 20ha trở lên là không ít. Theo những quy định hiện hành, những khu đô thị mới này phải được quy hoạch đồng bộ từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội. Thế nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư hiện nay mới chỉ chú trọng đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong dự án, còn hạ tầng xã hội đang đặt xuống vị trí thứ yếu.
Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Mai |
...đến Hà Nội
Theo điều tra của GS-TS Vũ Thị Vinh - tại một số quận nội thành Hà Nội - cho biết : Quận có rất nhiều khu đô thị mới, nhưng ở đâu cũng thiếu trường, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học. Tại khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, trường tiểu học tuy có trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa xây, trong khi hàng chục toà chung cư mọc lên mà không có một nhà trẻ bình dân nào, chỉ có một trường mầm non Hoa Trà Mi diện tích 5.000m2, có mức tiền gửi một cháu là 2,9 triệu đồng/tháng.Quận Hoàng Mai có 4 khu đô thị mới hiện đều đang trong tình trạng “trắng” trường phổ thông công lập, dù trong thiết kế các nhà thầu đều đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (dành khoảng 12% đến 15% diện tích đất); nhưng hiện chỉ có 5 trường học được xây dựng, mà theo quy hoạch phải là 17 trường, số nhà trẻ còn ít hơn, mới chỉ có 2/19 nhà trẻ cho hàng vạn dân. Khu đô thị mới Linh Đàm rộng và đông dân cũng chỉ có một trường mầm non bán công duy nhất . Khu đô thị mới Định Công - Đại Kim, có vài hécta đất quy hoạch trường học nhưng 7 năm vẫn bỏ hoang. Quận Long Biên có khu đô thị mới Việt Hưng, trẻ em đang phải “học nhờ” các trường tiểu học và THCS bên ngoài ... nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, quá tải cho giao thông đô thị.
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 13/12/2011
- 17