Nhiều KĐTM bỏ quên hạ tầng xã hội: Chính quyền thiếu giải pháp
>> Nhiều KĐTM tại Hà Nội, Tp.HCM bỏ quên hạ tầng xã hộiTheo quy hoạch, các khu đô thị đã được phê duyệt, căn cứ quy mô dân số phải xác định các công trình kết cấu hạ tầng xã hội nói chung và công trình trường học đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch. Tuy nhiên, ở Hà Nội chủ đầu tư những khu đô thị mới hầu như “phớt lờ” các tiêu chí này. Vậy trách nhiệm của chính quyền đến đâu trước hiện tượng này?
Đất dành cho hạ tầng xã hội bị cắt, bởi…
Nằm trên địa bàn có nhiều khu đô thị mới nhất thủ đô, ông Nguyễn Khánh Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm - thừa nhận thực tế, huyện Từ Liêm đã phát hiện một số trường hợp chủ đầu tư cắt xén đất dành cho hạ tầng xã hội để xây nhà ở bán tại các khu đô thị mới. Ông Nguyễn Khánh Thăng cho biết: “Nhiều khu không có trạm y tế, đồn công an, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khi quy mô dân số khoảng 1 vạn người (tương đương với 1 phường) là phải có các thiết chế này.Trẻ em khu đô thị Mỹ Đình phải đi học nhờ nơi khác. Ảnh: Xuân Thu |
Bãi đỗ xe cũng rất thiếu. Xe cộ tới khu đô thị hầu hết đỗ trên đường hoặc vỉa hè, rất lộn xộn...”. Nhiều khu đô thị mang tiếng có chợ nhưng lại là siêu thị cao cấp, không phải chợ dân sinh. Hệ quả là người bán, người mua tự phát hình thành nên chợ cóc lề đường. Trường học cũng như vậy, không có công lập mà hầu hết là dân lập, thu học phí rất cao nên dân thường không vào học nổi.
Rà soát mới nhất của UBND TP.Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu trường học như khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì không phải hiếm gặp. Hầu hết các khu đô thị đã có người tới ở hiện nay đều chưa hoàn thành đồng bộ hệ thống trường học. Kết quả rà soát 10 khu đô thị mới cho thấy, theo quy hoạch có 38 trường học nhưng mới xây dựng, đưa vào sử dụng 27 trường, trong đó, có 4 trường công lập, tỉ lệ 10,5%. 6 khu đô thị còn lại đều thiếu trường, thậm chí có những khu chưa có một trường nào.
Tương tự, khu đô thị mới Đại Kim – Định Công, theo quy hoạch phải có 2 nhà trẻ, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhưng hiện chưa được triển khai thực hiện. Các khu đô thị khác đều thiếu từ 1-3 trường như khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp mới có 1 trường mầm non, còn lại 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT vẫn chưa được khởi công xây dựng. Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc cũng chỉ có 1 trường mầm non được đưa vào sử dụng, còn lại 1 trường mầm non, 1 trường THPT đang được xây dựng và 1 trường THPT chưa được xây...
...chính quyền thiếu giải pháp
Nói về tình trạng thiếu trường ở khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, ông Đặng Thế Đô - Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) - chủ đầu tư dự án khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì - cho biết: “Tiền vốn Sudico không thiếu nhưng trường học đâu phải cứ có tiền là xây được, nên đành phải chờ các chủ đầu tư chuyên ngành thôi...”.Tuy nhiên, một chủ đầu tư khu đô thị mới ở Hà Nội thừa nhận, các doanh nghiệp tư nhân thường thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng. Vì vậy, nếu đầu tư xây dựng trường học, các công trình công cộng thì việc thu hồi vốn sẽ rất lâu, có thể kéo dài tới vài chục năm.
Nhìn nhận dưới góc độ nhà quy hoạch, ông Trần Ngọc Hùng - Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, tất cả các doanh nghiệp đều lấy lợi nhuận làm đầu. Vì vậy, không ai dại gì làm trường học, các công trình công cộng nếu như khi ra đầu bài không làm rõ, quy định chi tiết ai sẽ xây dựng và quản lý các công trình công cộng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu quan điểm rằng: “Đừng trách các nhà đầu tư, mà trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước”.
Về phía chính quyền, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP - nhận định, hầu hết các khu đô thị mới đã hoàn thành, dân đã đến ở nhưng hệ thống trường học lại chưa hoàn thành đồng bộ theo quy hoạch, dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu, gây bức xúc trong nhân dân. Bà Ngọc thừa nhận, việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội nói chung, trường học nói riêng trong các khu đô thị mới chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức.
Vậy vấn đề cần đặt ra là, tại sao “chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức” mà TP không có giải pháp hữu hiệu? Hậu quả, cứ tái diễn tình trạng đất dành cho hạ tầng xã hội bị “cắt, xén” từ khu đô thị này đến khu đô thị khác?
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 14/12/2011
- 17