• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nháo nhào tìm kênh đầu tư sau 'liều thuốc' chống lạm phát

Thị trường chứng khoán liên tục lao dốc sau Tết khiến nhà đầu tư nản lòng, các công ty chứng khoán trong tình trạng cầm cự được ngày nào hay ngày đó. Giữa lúc thị trường thiếu “lửa” thì chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với chủ trương “siết” tín dụng đối với chứng khoán, bất động sản càng khiến hai thị trường này lạnh tanh.

Chứng khoán cầm cự

Ngay ngày 24/2, sau khi đón thông tin về chống lạm phát của Chính phủ, trên HoSE, lượng giao dịch từ 48 triệu đơn vị (ngày 23/2) đã lập tức giảm xuống còn 34 triệu đơn vị. Từ đó, thị trường luôn rất ít giao dịch. Từ 24/2 đến nay, trên HoSE chỉ hai phiên có số lượng giao dịch “trung bình khá”, đạt khoảng 44 triệu đơn vị, các phiên còn lại số lượng giao dịch đều dưới 30 triệu đơn vị. Nhà đầu tư không dám giải ngân, dù nguồn cung cổ phiếu rất lớn.  Giao dịch giảm mạnh khiến hai chỉ số Vn – Index , HN - Index lao dốc không phanh. Đến ngày 3/3, số điểm sụt giảm trên sàn Vn - Index sau chưa đầy một tháng đã lên đến 70 điểm. Nói về điều này, một nhân viên môi giới của Công ty chứng khoán Rồng Việt lắc đầu: “Đa phần các công ty chứng khoán giờ chỉ sống cầm cự. Công ty nào “may lắm” mới được khoảng 20% giao dịch so với trước kia”.

Nháo nhào tìm kênh đầu tư sau 'liều thuốc' chống lạm phát | ảnh 1

Thị trường bất động sản được dự đoán tiếp tục "hẩm hiu" trong năm 2011. Ảnh: TNLinh.

Trong khi đó, một số tổ chức vẫn tiếp tục “thoái vốn” theo hướng cơ cấu lại danh mục đầu tư hiệu quả hơn. Mới đây, Công ty CP Vincom (mã cổ phiếu VIC) đã đăng ký bán toàn bộ khoảng 22,5 triệu cổ phiếu VIX (Công ty CP chứng khoán Vincom), nhằm chấm dứt việc đầu tư kinh doanh chứng khoán. Một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng cho biết, Vietcombank cũng đang tính đến việc rút bớt vốn từ chứng khoán. Theo giải thích của vị này, từ cuối năm 2009 đến nay, Vietcombank đã “chịu quá nhiều mất mát từ đầu tư chứng khoán” và không “chờ” được thị trường nữa”. Ngoài ra, tín hiệu trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy, hàng loạt các quỹ đầu tư đang trong quá trình thoái vốn theo lộ trình.

Nhà, đất chờ đợi

Tình cảnh tương tự là các công ty và nhà đầu tư bất động sản. Ông Vũ Ngọc Nam, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (quận 7, Tp.HCM), nói: “Nếu tình hình tiếp tục như thế này nhiều công ty bất động sản mạnh cũng sẽ... yếu. Giờ tôi cũng chưa biết các công trình đang dang dở của chúng tôi có được ngân hàng giải ngân tiếp hay không?”.

Căng thẳng hơn, một số công trình nhà chung cư đã xong của công ty này hiện tiêu thụ rất chậm. “Nhà đầu tư đang hoang mang và đang chờ những quy định cụ thể về sở hữu nhà, vay mua nhà… vốn yếu, lại không yên tâm để mua, bán gì cả, nên giao dịch so với cuối năm 2010 của chúng tôi giảm đáng kể”, ông Nam trần tình.

Hiện giá mà Vạn Phát Hưng chào bán đã thấp hơn so với năm 2010. Chung cư cao cấp ở quận 7 chỉ khoảng 20 - 22 triệu đồng một m2, nhưng giao dịch vẫn không tốt. Chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ (quận 3), người có nhu cầu nhà ở, dè dặt:  “Nghe đến việc siết chặt cho vay bất động sản, nên dù mua nhà để ở tôi cũng không dám”.

Còn chị Phương Chinh, ở Gò Vấp, Tp. HCM cho biết, chị rao bán căn nhà 99 m2, hẻm trước nhà 8m (sổ đỏ Chính chủ) từ sau Tết đến nay với giá hai tỷ đồng… nhưng cả tháng nay chưa ai hỏi mua.

Thị trường bất động sản đình trệ không phải do người dân không có nhu cầu về nhà ở, mà do các nhà đầu tư mang tâm trạng… chờ đợi. Anh Trần Văn Minh (đường Lý Thường Kiệt, Q. Tân Bình), một nhà đầu tư bất động sản, tính toán: “Lãi suất quá cao, trong khi đầu tư bất động sản phải có vốn lớn. Nếu đầu tư bất động sản trong thời điểm lãi suất cao hiện nay thì cầm chắc lỗ vì khó bán, mà đồng vốn giữa lúc khó khăn lại để “chết cứng” thì không cam lòng”. Theo anh Minh, thời điểm này, nếu có hai tỷ đồng, nên đi gửi tiết kiệm, kiếm ít nhất  24 triệu đồng một tháng, lại rất “linh hoạt” trong đầu tư.

(Theo Đất Việt)

  • 0
  • By Admin
  • 08/03/2011
  • 17