Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 8/11: Những gì làm hôm nay đừng cản trở sự phát triển ngày mai
GS.TS Nguyễn Thế Bá.
* Thưa GS, vì sao ngày 8/11 lại được chọn là ngày ĐT Việt Nam?
- Từ năm 1949, Hiệp hội Quốc tế các nhà quy hoạch đô thị (QHĐT) và Vùng đã lấy ngày 8/11 hàng năm là ngày “ĐT hóa thế giới”, hay còn gọi là ngày “QHĐT thế giới”. Đến nay, có 30 quốc gia chính thức tham gia. Mục tiêu của ngày QHĐT thế giới là thu hút sự chú ý của mọi người dân đối với công tác QH ĐT và QH vùng trên toàn thế giới, đồng thời làm rõ sự đóng góp quý giá của công tác QH đối với chất lượng chỗ ở và môi trường của toàn cầu. Ngày QHĐT thế giới còn là cơ hội cho các ý tưởng QHĐT và QH vùng tỏa sáng, không chỉ với người trong nghề mà còn cả công chúng rộng rãi.
Hội QH Phát triển ĐT Việt Nam nhận thấy mục tiêu của Ngày QHĐT thế giới hoàn toàn trùng khớp với tôn chỉ, mục đích, hoạt động của Hội nên đã cùng với Hiệp hội Các ĐT Việt Nam đề xuất với Chính phủ lấy ngày 8/11 là ngày ĐT Việt Nam. Trước khi trình Chính phủ, 2 cơ quan chúng tôi đã có công văn gửi 3 bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ VHTT&DL lấy ý kiến về việc nói trên. Cả 3 bộ đều ủng hộ. Và ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1519/QĐ-TTg chính thức công nhận “Hàng năm lấy ngày 8/11 là Ngày ĐT Việt Nam và tổ chức đầu tiên vào ngày 8/11/2008”.
* Vậy ngày ĐT Việt Nam sẽ có gì đặc biệt, khác biệt với ngày QHĐT thế giới (ngày ĐT hóa thế giới), thưa GS?
- Chúng tôi đề xuất lấy ngày 8/11 là ngày ĐT Việt Nam thay vì là ngày QHĐT Việt Nam với mong muốn ngày này sẽ có ý nghĩa cộng đồng cao hơn. Đó không chỉ là ngày tôn vinh, động viên của các nhà QH cũng như nhắc nhở họ về trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển các ĐT. Đó còn là ngày để các cấp các ngành, các chính quyền ĐT nhìn nhận lại sự đóng góp của mình đối với ĐT. Có QH tốt chúng ta mới tạo được một cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Nhưng nếu không có sự quản lý tốt thì đồ án QH tốt kia sẽ bị phá vỡ và dẫn đến tình trạng ĐT phát triển lộn xộn.
Ngày ĐT Việt Nam còn tôn vinh một lực lượng quan trọng khác nữa là các nhà đầu tư, nhà xây dựng, kiến trúc sư, nhà văn hóa - xã hội, lịch sử, môi trường và đông đảo quần chúng nhân dân... Họ chính là người đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ tạo nên những viên gạch để xây dựng và phát triển ĐT.
Tóm lại, ngày ĐT Việt Nam là bức thông điệp kêu gọi toàn dân tập trung sức lực, trí tuệ hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ĐT.
Về phía mình, Hội QH Phát triển ĐT Việt Nam quyết tâm và sẽ làm hết sức mình để cùng với các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý ĐT, các chủ đầu tư cùng cộng đồng dân cư ĐT… tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển ĐT của nước nhà.
* Nhân dịp này GS có thể cho biết nhận định của mình về thực trạng phát triển ĐT ở Việt Nam hiện nay?
- Nước ta hiện có trên 740 ĐT các loại. Dân số ĐT chiếm khoảng 28%. Tuy nhiên ĐT đóng góp 70 - 75% tổng thu nhập quốc dân. Theo dự báo, đến năm 2020, dân số ĐT sẽ chiếm khoảng 45%, lúc đó chắc chắn sự đóng góp của ĐT vào sự nghiệp phát triển đất nước rất lớn lao.
Bên cạnh những thành quả đó, chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận sự phát triển ĐT của nước nhà còn nhiều bất cập, hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó xuất phát từ công tác QH. Hơn ai hết các nhà QH muốn làm những đồ án QH tốt nhất, có những nội dung phù hợp với sự phát triển ĐT, với đời sống, con người, cảnh quan thiên nhiên đất nước… Nhưng tiếc rằng, do chúng ta còn coi nhẹ vấn đề QH, phát triển ĐT nên những nội dung, việc làm chúng ta chưa đi đúng, đi sát vào các vấn đề xã hội đang cần, sẽ cần. Trong QHĐT có một quan điểm quan trọng là phát triển bền vững, tức là tất cả những việc làm hôm nay không ảnh hưởng đến sự phát triển ĐT trong tương lai. Nhưng trên thực tế, còn nhiều cái chúng ta làm hôm nay cản trở sự phát triển của ĐT ngày sau.
* Trân trọng cảm ơn GS!
>Thực trạng đô thị hóa ở Việt Nam
Theo Báo Xây Dựng
- 0
- By Admin
- 06/11/2008
- 17