• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà xây trái phép: Cứ nộp phạt là thoát!

Dự thảo sửa đổi nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản... (gọi tắt là nghị định 23) đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến các địa phương.

Đóng tiền để khỏi tháo dỡ

Những công trình sai phép lớn tại Tp.HCM được tồn tại

Tại Tp.HCM, nhiều công trình xây dựng sai phép lớn đã được tồn tại như công trình cao ốc trên đảo Kim Cương (P.Bình Trưng Tây, Q.2) gồm sáu block chung cư quy mô 16-25 tầng đã được xây dựng tăng từ 1-2 tầng mỗi block, tổng diện tích xây dựng trái phép lên đến gần 3.000m2. Tòa cao ốc BMC trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1) quy mô 20 tầng xây dựng với phần xây dựng trái phép hơn 270m2, làm tăng mật độ xây dựng. Tòa nhà Bảo Việt cao 11 tầng nằm trên khu đất vàng ở đường Đồng Khởi (Q.1) lấp ô thông tầng lửng làm quy mô tổng thể của tòa nhà tăng lên một lầu...


Để được tồn tại, những công trình xây sai phép, không phép (gọi chung là trái phép) phải không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng đến công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư.

Nếu công trình xây trái phép là nhà ở riêng lẻ ở đô thị sẽ nộp 40% giá trị lợi nhuận phần trái phép, nếu công trình xây trái phép thuộc các dự án đầu tư xây dựng thì phải nộp 50% lợi nhuận của phần công trình trái phép.

Theo một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc nộp một phần lợi nhuận thu được chỉ áp dụng cho trường hợp chủ đầu tư công trình xây trái phép lớn hơn quy mô công trình được cấp phép nhưng phù hợp quy hoạch của khu vực.

Vị này giải thích: theo quy định khu vực được phép xây dựng công trình đến năm tầng nhưng ban đầu chủ đầu tư chỉ xin phép xây ba tầng. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có nhu cầu xây thành năm tầng. Nếu cơ quan chức năng phát hiện khi chủ đầu tư mới bắt đầu vi phạm thì sẽ đình chỉ xây dựng công trình trong 60 ngày để chủ đầu tư làm thủ tục điều chỉnh giấy phép.

Nhưng có những trường hợp cơ quan chức năng phát hiện khi phần xây sai phép đã hoàn thành thì chủ đầu tư phải nộp lại 40-50% số lợi nhuận thu được từ phần diện tích xây sai phép, ngoài tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Vị này cũng cho rằng không phải Nhà nước muốn thu nhiều tiền của người xây dựng trái phép, mà việc quy định như trên nhằm tăng sức răn đe. Nếu như phần diện tích xây dựng trái phép không phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng công trình lân cận... thì vẫn bị tháo dỡ. Để tính khoản lợi nhuận thu được từ các phần diện tích trái phép, các cơ quan chức năng sẽ định giá của toàn bộ công trình. Ví dụ 1m2 của công trình kinh doanh, chủ đầu tư bán ra lời 10 đồng thì phải nộp cho Nhà nước 5 đồng (đối với công trình, dự án) hoặc 4 đồng (đối với nhà ở riêng lẻ).

Nhiều băn khoăn

Việc nộp khoản lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm pháp luật không mới trong những lĩnh vực khác, nhưng lần đầu tiên được đề xuất trong lĩnh vực xây dựng gây không ít ý kiến tranh luận. Liệu khoản tiền nộp phạt này có làm chùn tay các chủ đầu tư có ý định xây dựng trái phép, hay đây là một cách để “hợp pháp hóa” các công trình xây trái phép bằng cách nộp một khoản tiền?

 

Cao ốc BMC ở Q.1, Tp.HCM xây trái phép hơn 270m2 được UBND Tp.HCM cho phép tồn tại


Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng xét về hiệu quả xã hội, nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi vì tốn tiền của chủ đầu tư cũng là tiêu tốn của cải xã hội. Nhưng để cho phần diện tích trái phép của các công trình tồn tại mà chủ đầu tư không phải nộp đồng nào trong số lợi nhuận họ thu được từ phần công trình bất hợp pháp trên thì người đi sau sẽ nhìn người đi trước mà tiếp tục vi phạm.

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn với đề xuất của Bộ Xây dựng. Bà Hồ Thị Kim Loan, nguyên chánh thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM, cho biết ủng hộ việc đánh vào lợi ích kinh tế để răn đe các chủ đầu tư xây dựng trái phép và phải xử lý đến nơi đến chốn chứ không chỉ xử phạt xong rồi treo lơ lửng.

“Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy sự nghiêm minh của pháp luật khi buộc người dân nộp phần trăm khoản lợi nhuận mang lại” - bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, chưa kể nhiều phiền toái, phát sinh khác khi tính lợi nhuận từ diện tích xây dựng sai phép để thu tiền: Khi có một công trình xây trái phép, UBND cấp có thẩm quyền phải mời đơn vị thẩm định giá để làm cơ sở tính toán giá trị sinh lời, sau đó thành lập cả một hội đồng để quyết định số tiền phải nộp của một công trình trái phép là bao nhiêu.

Việc này tốn thời gian, công sức của rất nhiều lãnh đạo, cán bộ liên quan và dễ phát sinh tiêu cực, khiếu kiện của người dân khi họ so sánh tại sao công trình này nộp nhiều, công trình kia nộp ít...

Bà Loan kiến nghị nên quy định mức phạt thật cao, có thể mút khung cho phép (1 tỉ đồng), hoặc mức phạt cho mỗi cấp công trình cụ thể, không kể diện tích sai phép là nhiều hay ít...

Như vậy, một khi chủ đầu tư có ý định xây dựng trái phép sẽ cân nhắc giữa hai khả năng: một là bất chấp pháp luật, tự xây trái phép thì hậu quả là sẽ bị phạt nặng, bị ngưng thi công công trình. Hoặc phải xây dựng theo quy định, không tốn tiền phạt lớn. Như vậy chủ đầu tư cũng không phải tính đến chuyện cứ xây trái phép rồi sẽ tìm cách hối lộ để giảm khoản tiền lợi nhuận phải nộp.

Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, pháp luật phải nghiêm chứ không nên thỏa hiệp. “Tôi hơi lo khi biết cơ quan chức năng đang dự thảo quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nó tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể “chạy” được” - ông Sơn nói.

  • 177
  • By Admin
  • 08/05/2013
  • 17