Nhà trọ sinh viên đua nhau tăng giá
Nhà trọ đua nhau tăng giáMột số khu tập trung nhiều trường đại học như đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Mỹ Đình… nhà trọ dành cho sinh viên thuê lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, mỗi nhà trọ "đón tiếp" hàng chục lượt sinh viên vãng lai. Lợi dụng nhu cầu tìm nhà trọ của các tân sinh viên. Chủ các nhà trọ đồng loạt tăng giá mọi mặt. Nào là tiền phòng, tiền điện, tiền nước. Mỗi căn phòng bèo nhất cũng có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Điện thì 3.500 - 4.000đ/số, nước từ 60.000đ/người. Khu vực thuộc thị trấn Diễn, Nhổn phòng có giá rẻ hơn nhưng điều kiện về an ninh, vệ sinh thì không tốt.
Tại thời điểm này, bất cứ phòng trọ nào, ở khu vực nào cũng bị chủ nhà đẩy giá phòng lên cao. Mỗi phòng tăng ít nhất cũng phải 200.000 đồng, nhiều thì 300 - 400.000 đồng. Lý do đơn giản chỉ vì thời buổi kinh tế thị trường, họ tăng mình cũng tăng. Trong khi các chủ nhà trọ đang sung sướng vì tăng được nguồn thu nhập thì cuộc sống của sinh viên ngày càng khốn đốn, dở khóc dở cười.
Nguyễn Huy Đường, SV năm thứ 3 ĐH FPT nhăn mặt: "Phòng tăng lên 1 triệu rưỡi thì sống làm sao được. Cách đây 1 tháng, chủ nhà mới tăng phòng từ 1,2 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng. Tháng tới chủ nhà thông báo sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng. Phòng mình trước ở 3 người, giờ 1 người chuyển nên 2 đứa bọn mình cũng chuyển luôn, tìm phòng khác rẻ hơn chút hoặc rủ bạn nữa ở cùng cho đỡ tốn kém".
Giáp Tết, phòng trọ cho sinh viên bị đẩy giá cao, nhiều nơi điều kiện vệ sinh không đảm bảo. |
Trần Hoàn Công (Bắc Giang) vừa tốt nghiệp Đại học Xây dựng cho biết: "Phòng mình đang thuê 900.000đ/tháng, tháng này nhà chủ bảo sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng. Mình vừa tìm được việc, phải ở công trường suốt nên định vẫn thuê phòng để thi thoảng về. Nhưng nhà chủ bắt chẹt quá nên mình quyết định trả phòng và ở lại công trường. Nếu có về chơi thì ngủ nhờ bạn tạm 1, 2 tối cũng được".
Những quy định oái oăm
Trong khi hầu hết các nhà trọ đều chật cứng thì một số nơi vẫn ế phòng do chủ nhà đẩy giá phòng lên cao. Bạn Linh, sinh viên năm 1 Khoa Hóa (ĐH Sư phạm HN) bức xúc: Ngay từ khi mới vào xóm trọ trên đường Nguyễn Phong Sắc (kéo dài) chúng em đã phải nộp mất hơn 1 triệu tiền đặt cọc cho 1 phòng 3 người, còn giá phòng mỗi tháng là 800 nghìn đồng, điện 3.500 đồng/số, nước 60 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tiền vệ sinh, những quy định chung và riêng di chủ nhà "soạn thảo". Để "tận thu", bà chủ cho 1 người nữa vào ở cùng. Sau vài ngày sống chung thấy không hợp nhau nên mọi người rủ nhau đi tìm nhà trọ khác.
Nhà anh Sơn, ngõ 1, Phạm Văn Đồng còn 1 phòng nhưng oái oăm là lại không cho nam sinh viên thuê mà chỉ cho nữ sinh viên thuê với lý do trong xóm có nhiều nam giới và bây giờ chỉ "chiêu mộ" nữ giới. Bạn Loan, sinh viên năm 2 Học viện Quản lý Giáo dục, nhờ anh đến hỏi thì nhận được câu trả lời "hết phòng". Loan nhờ chị gái hỏi thuê, chủ nhà nhận lời nhưng yêu cầu đặt cọc tiền nhà 3 tháng nên cũng đành "ngậm ngùi" đi tìm nhà khác. Còn một quy định oái oăm có thể kể ra là: "Cấm khách đến chơi mang xe vào sân, nếu vi phạm phạt 100 nghìn"…
Giải pháp nào?
Gần Tết, cũng bởi giá phòng tăng cao nên nhiều nhà trọ vẫn trống phòng, dẫn đến nghịch lý thừa phòng trọ mà sinh viên không có phòng ở. Phòng tăng giá, thực phẩm cũng tăng nên bạn nào cũng tìm cho mình giải pháp tốt nhất để có thể tiết kiệm tiền cho gia đình và đảm bảo việc học hành. Bởi vậy, thời gian này cũng xuất hiện loại hình quảng cáo mới dán khắp nơi trong các khu với nội dung: "Tìm người ở ghép".
Bạn Phương Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt chia sẻ: "Trước em ở thị trấn Diễn, giá phòng cũng 600.000đ/tháng nhưng điều kiện không tốt, an ninh không đảm bảo nên em chuyển lên ở phòng 600.000đ/tháng trên đường Phạm Văn Đồng, gần trường mà điều kiện tốt hơn. Nhưng tháng này chủ nhà đột ngột tăng giá lên 1 triệu thì không ở được nữa. Phòng thì bé, may ra thì được 9m2, em lại về Diễn ở thôi. Chứ nghĩ mỗi tháng nộp 700.000 đồng tiền nhà với điện nước mà phát sốt". Bạn Hải, sinh viên Trường ĐH Sư phạm cũng thở dài: "Chủ nhà tăng từ 1 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Mình tính sẽ tìm thêm 2 người ở ghép cho đỡ tốn".
Ngày càng có nhiều nhà trọ mọc lên khắp nơi nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên hiện nay. Bài toán về nhà trọ sinh viên không biết bao giờ mới giải được. Để giải quyết nghịch lý này, thiết nghĩ các chủ nhà trọ dù xây nhà để làm dịch vụ, kinh doanh thì cũng nên tạo điều kiện tối đa, giúp các sinh viên được yên tâm học tập. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải kiểm tra việc thu tiền điện tại các nhà trọ có đúng quy định để kịp thời xử lý nhà trọ vi phạm, tránh việc bắt chẹt sinh viên.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 05/01/2011
- 17