• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà trọ cho công nhân: Vẫn còn nhiều bất cập (tiếp)


Khu nhà trọ dành cho công nhân trên địa bàn xã Kim Chung sẽ được nhân rộng

Nhiều ưu đãi với nhà ở xã hội...

Từ tháng 6-2009, Nghị quyết và Quyết định số 66/2009/QÐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân thuê đã có hiệu lực pháp luật. Quyết định này yêu cầu các ban, ngành, địa phương, nhất là Hà Nội và một số địa phương, phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KCN gắn với quy hoạch phát triển nhà ở công nhân và khuyến khích xã hội hóa công tác này.

Do vậy, nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trong đó các khối nhà dành cho công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) là bước khởi đầu. Tiếp đó, Hà Nội cũng khởi công xây dựng khu nhà ở cho công nhân tại KCN Phú Nghĩa. Tuy có chuyển biến nhưng do nhu cầu thực tế quá lớn, số lượng nhà ở cho công nhân vẫn còn rất thiếu.

Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 8-8-2010, có những hướng dẫn thi hành cụ thể về chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng công nhân, người LĐ làm việc tại các KCN, KCX. Nghị định quy định các ưu đãi đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, giải quyết phần nào bức xúc của người lao động. Quy định về nhà ở xã hội trong Nghị định 71/NĐ-CP thông thoáng hơn, theo đó các dự án nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách không bị khống chế số tầng.

Nhà ở xã hội chỉ được bán sau 10 năm từ khi ký hợp đồng. Nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, hưởng thuế suất ưu đãi VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn kích cầu, tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần theo quy định…

Tuy vậy, trên thực tế, có ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này do thu hồi vốn lâu, trong khi ngân hàng thường cho vay ngắn hạn. Tháo gỡ vướng mắc trên chính là giải quyết được nguồn vốn để đầu tư mà doanh nghiệp thì không thể tự giải quyết được.

Cũng theo Nghị định 71, doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân không thu tiền thuê nhà với mức giá không vượt quá mức giá thuê nhà ở xã hội thì chi phí xây dựng được tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Nhưng hiện nay doanh nghiệp còn phải đợi Bộ Tài chính thẩm định lại mức giá. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp muốn xây nhà ở cho công nhân nhưng cơ chế hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp triển khai. Chưa kể khó khăn của địa phương khi không dễ kiếm quỹ đất xây nhà ở cho công nhân.

…nhưng chưa có tính thực tế

Theo Luật sư Võ Đình Hải - Văn phòng Luật sư Hà Đăng: “Hầu hết các luật, pháp lệnh quy định vấn đề liên quan đến di cư đều chỉ mới dừng lại ở các quy định có tính nguyên tắc chung. Vì vậy, nội dung các quy định không đề cập đến các nhóm đối tượng áp dụng đặc thù như LĐ di cư đến làm việc tại các khu công nghiệp.

Mặc dù nội dung của hầu hết các văn bản pháp luật đều không có những quy định thể hiện sự phân biệt đối xử với LĐ nhập cư, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của Chính phủ, bộ, ngành liên quan tới một số vấn đề cụ thể như hộ khẩu, hộ tịch… đã đưa ra một số điều kiện và thủ tục ràng buộc quá chặt chẽ”.

Luật sư Hải cũng cho rằng, trong thời gian tới, Nhà nước cần quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển KCN, bảo đảm việc phát triển phải đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân. Bộ Xây dựng cần sớm có cơ chế chính sách về xây dựng nhà ở cho công nhân. Quy hoạch khu nhà ở cho công nhân cần đáp ứng quy hoạch chung của đô thị .

Điều đặc biệt, các cơ quan chức năng cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu cho người LĐ trong KCN, đồng thời điển hình hóa các thiết kế nhà ở nhằm thống nhất, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và khả năng của người LĐ.

Khi quy hoạch nhà ở KCN cần tính toán nhu cầu, khả năng nhà ở của người LĐ, từ đó định hướng việc xây dựng các loại hình nhà ở với quy mô, mức độ hiện đại và giá thành hợp lý, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở thương mại góp phần tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, cần có cơ chế hỗ trợ như: miễn thuế kinh doanh hộ cá thể; tạo điều kiện cho các hộ khi sửa chữa, cải tạo nhà trọ...

Hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các KCN là rất lớn mặc dù đã có nhiều nhà trọ nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế, đa số công nhân vẫn phải thuê nhà trọ bên ngoài. Bởi lẽ, giải quyết được điều này là một trong những giải pháp góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người LĐ, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 08/10/2010
  • 17