• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà trọ cho công nhân - Doanh nghiệp thờ ơ

Đó là nhận xét ông Hoàng Đức Khang - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) - một trong những xã có số lượng người lao động (LĐ) nhập cư lớn (khoảng 23 nghìn LĐ).

Khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh

Có nhà lại thiếu người

Cũng theo ông Khang, gần đây, ngày 2-4-2010, UBND huyện Đông Anh đã ra thông báo thu hồi gần 200.000m2 đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người LĐ có thu nhập thấp giai đoạn 2 tại xã Kim Chung, cho phép chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội được tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Có mặt tại khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, chúng tôi thấy, mặc dù có hàng chục tòa nhà cao tầng đã được đưa vào sử dụng cách đây vài năm nhưng cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực vẫn chưa được hoàn thiện và thiếu đồng bộ. Trên những khoảng sân tiếp giáp giữa các khu nhà, rác, phế thải xây dựng, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều đoạn cống thoát nước đã bị tắc khiến nước thải dềnh lên bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lên “tham quan” nơi ăn chốn ở của những người công nhân đang sống tại đây thì nhân viên bảo vệ trong các tòa nhà kiên quyết không cho vào với lý do “lãnh đạo không đồng ý”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Điện Nam - Phó Trưởng Công an xã Kim Chung cũng than phiền: “Ngay cả khi chúng tôi đến các khu nhà để kiểm tra nhân khẩu, nhân viên bảo vệ cũng ngăn không cho vào. Chúng tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của CAH Đông Anh mới có thể thực thi được nhiệm vụ. Với cung cách quản lý trên, trong trường hợp nếu xảy ra cháy nổ, trộm cắp... thì việc xác minh, điều tra, khắc phục sự cố rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số công nhân không mặn mà vào sống tại các khu nhà này”…

Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã gặp gỡ một số công nhân và được biết, tuy điều kiện nhà trọ bên ngoài không khang trang bằng khu nhà công ty thuê cho công nhân ở song theo họ “việc quản lý công nhân quá chặt, nhiều phòng ở quá đông, phòng lại không khép kín khiến một số công nhân phải xin chuyển ra sống ở ngoài”… Điều này đã dẫn đến nghịch lý thừa phòng nhưng công nhân vẫn phải “méo mặt” tìm chỗ ở.

Nhiều dự án sẽ được triển khai

Ông Khang còn cho biết thêm, những năm gần đây, không ít người dân trong xã rất bức xúc về việc học sinh các trường mầm non và tiểu học ngày càng quá tải do số LĐ nhập cư tăng nhanh. Mặc dù chủ trương của UBND thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành khoảng 500ha đất để xây dựng nhà cho công nhân với số tiền khoảng 12 nghìn tỷ đồng và hiện thành phố đã tập trung thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ), KCN Quang Minh (Mê Linh)… Song để được vào ở tại các khu nhà này, đa số công nhân còn phải chờ đợi.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 5 dự án nhà xã hội tại khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên), xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì), xã Kim Chung (Đông Anh) và huyện Chương Mỹ. Dự kiến 5 dự án trên khi hoàn thành sẽ đóng góp vào quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 4.900 căn hộ. Sở cũng vừa công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và dịch vụ công cộng tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 32ha, sẽ cung cấp nhà ở cho khoảng 1.700 công nhân tại các KCN. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2011, hoàn thành vào năm 2015.

Hiện có ba phương án xây dựng khu nhà ở dành cho công nhân: Thành phố cho các doanh nghiệp thuê dài hạn 25-30 năm đối với các khu nhà ở đã được hoàn thiện để các nhà đầu tư chủ động bố trí nơi ăn ở cho công nhân; Giao đất cho doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân và quy chế vận hành giống phương án một; Thành phố xây dựng các khu nhà ở và cho các doanh nghiệp thuê lại. Tuy nhiên, dù phương án nào được chấp nhận thì cũng phải đảm bảo lợi ích là chỗ ở giá rẻ (không quá 150.000/người/tháng) của người LĐ.

Với mức thu nhập thấp và tình hình thị trường nhà ở hiện nay, hầu hết LĐ không đủ khả năng mua nhà ở, chỉ có thể thuê nhà. Thực tế phát triển các khu công nghiệp thời gian qua đã đặt ra vấn đề nhà ở cần phải được giải quyết phù hợp với thu nhập của công nhân, nhất là công nhân nhập cư. Điểm chung tại hầu hết các KCN là người sử dụng LĐ chỉ tuyển công nhân vào làm việc, không quan tâm đến giải quyết về chỗ ở. Cũng có doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng nhà ở cho công nhân trong khuôn viên nhà máy, nhưng số này còn rất ít. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do vốn đầu tư cao, khả năng hoàn vốn thấp, các quy định pháp luật để khuyến khích nhà đầu tư còn thiếu và không mang tính nhất quán…

(Theo ANTĐ)

  • 0
  • By Admin
  • 07/10/2010
  • 17