Nhà trọ bị "hét" giá cao
Đức, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đưa em trai đi thi ĐH bị chủ nhà trọ thu thêm 100.000 đồng mỗi ngày đêm, dù trước đó cậu đã thanh toán đủ tiền nhà cả tháng 7. Thắc mắc, Đức được giải thích "Bác chỉ cho cháu thuê chứ đâu cho em cháu thuê, nên muốn đưa ai vào ở thì phải nộp thêm tiền".Bức xúc, đợi hết mùa tuyển sinh, Đức đi lân la các ngõ xóm quanh trường tìm phòng trọ mới. Nhìn đâu cũng thấy biển "Có phòng cho thuê" nhưng vào hỏi, Đức không khỏi giật mình vì mức giá quá cao. Nhà cấp 4 trong hẻm sâu, rộng 12 m2, vệ sinh khép kín có giá 1,8 triệu đồng hay phòng 20 m2, tầng 3, giá lên đến 2,5 triệu đồng, chưa kể tiền gửi xe hằng tháng. Đi kèm theo đó là điện 3.500 – 4.000 đồng mỗi số, nước 70.000 đồng một người.
Không chịu nổi giá đó, Đức đành bỏ ý định chuyển phòng trọ thì được bà chủ nhà thông báo, tháng sau, giá thuê tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng. "Đợt này sinh viên ra trường, trả phòng nhiều, đi đâu mình cũng thấy biển đề có phòng trống cho thuê, vậy mà giá vẫn không ngừng tăng", Đức nói.
Biển thông báo cho thuê phòng trọ xuất hiện dày đặc trong nhiều ngõ xóm song giá vẫn tăng. Ảnh: Anh Quân. |
Anh trai vừa tốt nghiệp đại học, Tùng, sinh viên năm thứ 2 Đại học Xây dựng Hà Nội muốn chuyển nhà trọ từ Cầu Giấy về khu vực Hai Bà Trưng để tiện đi lại. Đi mãi hơn một tuần, cậu mới thuê được một căn phòng nhỏ trong ngõ Cột Cờ, Lê Thanh Nghị với giá 2,1 triệu đồng cho 21 m2.
Tùng kể, thời điểm này tìm phòng trọ trống không khó. Một ngày rong ruổi, cậu bắt gặp đến 30 tấm biển đề cho thuê nhà, chưa kể thông tin rao vặt trên mạng. Nhưng khu vực cậu muốn thuê đều giáp nhiều trường đại học như Xây dựng, Kinh tế, Bách Khoa, Mở nên giá khá cao. May mắn tìm được những căn phòng nhỏ, giá mềm thì "chủ nhà chỉ cho con gái thuê" – Tùng kể.
Theo Tùng, nếu giữ mãi giá cao, thậm chí còn đưa ra những điều kiện ngặt nghèo như chỉ cho sinh viên nữ thuê, không được về muộn quá 10h đêm hay phải gửi xe bên ngoài… thì chủ nhà trọ cũng chịu thiệt. "Nhẩm tính, mỗi tháng không có người thuê, với chỉ một phòng trống, chủ nhà cũng tổn thất 2-3 triệu, vậy mà giá vẫn thét cao cả khi thời điểm người trả nhà nhiều hơn người đi mướn", Tùng băn khoăn.
Theo quan sát của phóng viên, biển hiệu cho thuê phòng trọ đang được dán nhan nhản khắp nơi, nhất là những ngõ nhỏ quanh các trường đại học. Riêng ngõ 79 và ngõ 175 Cầu Giấy, ngõ Gốc Đề (Minh Khai) có đến gần 20 tấm giấy đề nội dung như vậy, ngõ Thống Nhất (Đại La), ngõ Trại Cá (Trương Định) cũng có gần 10 tấm bảng đề có phòng trống…
Cô Vân, một chủ nhà trọ trên phố Cầu Giấy cho biết, thời điểm này mọi năm vẫn là lúc phòng trống nhiều vì người ra trường, người chuyển đến ở ghép cùng nhau để tiết kiệm chi phí… nên điều này không đáng lo. Cô cũng không thể vì ế tạm thời mà chấp nhận bớt tiền trọ. "Chỉ sang tháng thôi, khi nào sinh viên nhập học là lại có người thuê ngay. Báo giá rẻ rồi sau này tăng lắt nhắt còn mệt hơn, nên tôi cứ thẳng thắn ngay từ đầu", cô nói.
Ngoài ra, chủ nhà trọ này cho rằng, giá cả sinh hoạt tăng, mới đây tiền điện nước cũng đắt đỏ nên cô không thể giữ giá cũ. Đó cũng là mặt bằng giá chung hiện nay chứ không phải mình gia đình cô áp dụng mức mới.
Trong khi đó, bác Thanh, chủ một dãy nhà trọ trong phố Bùi Ngọc Dương cho biết, trống phòng nào, bác cũng tiếc phòng đó. Nhưng không thể vì thế mà vợ chồng bác nhượng bộ về giá cũng như nội quy cho thuê. Bác cho biết, có hơn 10 phòng trọ nhưng bác chỉ cho nữ sinh viên mướn, đi về không được muộn quá 10h30 tối, mỗi phòng rộng 15 m2 khép kín có giá 1,8 triệu đồng một tháng.
"Không phải tôi gây khó gì cho các cháu đi thuê nhà, sinh viên trọ học là khổ rồi nhưng mình cứ thống nhất nội quy ngay từ đầu cho dễ làm việc. Tôi tăng 200.000 đồng mỗi phòng với cả người đang thuê, không riêng người mới", bác Thanh tâm sự.
Bác cho biết thêm, hè và Tết thường là dịp các chủ nhà điều chỉnh giá phòng trọ cũng như điện nước. Song gia đình bác mỗi năm chỉ thay đổi giá một lần vào thời điểm này nên báo luôn để sinh viên chuẩn bị.
Đối với các sinh viên đi thuê nhà, giá phòng trọ tiếp tục leo thang khiến họ và gia đình thêm lo lắng. "Tiền nhà chẳng bao giờ phụ thuộc vào cung cầu, tưởng lúc vắng khách đi kiếm nhà dễ hơn nhưng không phải, giá chỉ biết tăng chứ có bao giờ hạ đâu", cậu sinh viên Đức buồn bã nói.
(Theo Vnexpress)
- 0
- By Admin
- 24/07/2012
- 17