• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà thầu nội vẫn bị phân biệt đối xử

Một thực tế là các doanh nghiệp, thậm chí nhà đầu tư công tại Việt Nam, khi đưa ra một dự án, đều có lựa chọn số một là các nhà thầu ngoại. Trớ trêu là ngay khi trúng thầu, nhà thầu ngoại thường “bán” lại cho các công ty xây dựng nội địa với giá rẻ.

“Chết” trên sân nhà

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty xây dựng Thành phố (Citicons) cho rằng, thông thường, khi nhà thầu ngoại được chọn làm thầu chính, họ sẽ thuê các nhà thầu Việt Nam làm thầu phụ. Khi đó, họ chỉ làm công tác quản lý các thầu phụ. “Có rất nhiều công trình lớn, kể cả các công trình rất nổi tiếng, nhiều người chỉ biết nhà thầu chính. Nhưng khi tính tỷ lệ thi công, nhà thầu phụ chiếm phần cao hơn hẳn”, ông Vinh nói.

Rất nhiều nhà thầu trong nước đủ năng lực và uy tín, nhưng chỉ được làm nhà thầu phụ vì tưởng "sính" ngoại. Ảnh: Đ.Sơn.

Một điều khiến các nhà thầu trong nước “đau”, là mặc dù trúng thầu với giá cao ngất ngưỡng, nhưng nhà thầu nước ngoài giao lại cho họ với giá bèo, chỉ bằng 1/2 so với giá trúng thầu. “Như vậy, chỉ cần đứng ra bỏ thầu, nếu trúng, nhà thầu ngoại đã ẵm một số tiền chênh lệch rất lớn, mà chưa phải bỏ công sức gì”, giám đốc một công ty xây dựng tại TP HCM nói.

Khó để so sánh một cách xác đáng về chất lượng một công trình giữa nhà thầu nội và ngoại, vì chất lượng công trình còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác như giá, thời gian thi công... Nếu nhà thầu Việt nhận được công trình giá cao như nhà thầu ngoại, thì chất lượng cũng sẽ không thua kém, giới thầu trong nước khẳng định.

Cần thắng bằng kỹ thuật

Vì sao các doanh nhà đầu tư tại Việt Nam thường chọn các nhà thầu ngoại? Ông Vinh cho rằng, trước tiên là do tư tưởng “sính ngoại” của các chủ đầu tư, kế tiếp là họ xét về kinh nghiệm của nhà thầu nội. Nói về “tuổi nghề”, các nhà thầu nội vẫn còn khá non trẻ, điều này đã khiến họ lép vế.

5 năm trước, các nhà thầu nội chỉ thi công các công trình khoảng 12 - 15 tầng, thì nay có thể làm 40 tầng. Tuy nhiên chủ đầu tư vẫn không tin, vì họ cho rằng nhà thầu trong nướx không có kinh nghiệm.

Ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), nói rằng, các nhà thầu ngoại đến Việt Nam đã đem theo một luồng gió mới, khi họ đem đến các công nghệ mới, các vật liệu xây dựng mới và tinh thần làm việc kỷ luật cao. Đây là tích cực và cũng là tiêu cực, vì các nhà thầu ngoại thường có tinh thần dùng hàng nước họ, khiến chúng ta bị chảy máu ngoại tệ. Đấu thầu một dự án bao giờ cũng cạnh tranh về giá. Nhưng không phải giá thấp nhất là trúng thầu. Có dự án HBC đưa giá cao hơn so với các nhà thầu khác, nhưng vẫn được chọn. Cơ bản là đưa ra được phương án tổ chức thi  công, cách thức, biện pháp triển khai dự án, năng lực chuyên môn lẫn tài chính… mạnh, hiệu quả.

Ông Hải cũng chia sẻ thêm, đối với công ty nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm làm nhà thầu chính, muốn thắng thầu phải nâng cao kỹ thuật, bằng việc lập biện pháp thi công thật tốt, để bù vào mặt hạn chế về điểm kinh nghiệm. Tuy gọi là “điểm kỹ thuật”, nhưng luôn luôn bao hàm cả năng lực tài chính. Đây cũng là một rào cản đối với các nhà thầu trong nước.

Một nhà thầu “tố”, dù thua nhưng các nhà thầu Việt Nam không đoàn kết với nhau để cạnh tranh với nhà thầu ngoại, trong khi còn thường xuyên cạnh tranh không lành mạnh với nhau, thậm chí còn “đánh” nhau khi bỏ thầu giá rẻ để “chơi nhau”.

(Theo Đất Việt)

  • 0
  • By Admin
  • 06/12/2010
  • 17