• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà thầu chây ì không nộp phạt

Trả lời Thanh Niên, ông Trần Thế Kỷ - Phó giám đốc Sở GTVT Tp.HCM - nói:

- Đúng là thời gian qua, nhà thầu thi công các công trình thoát nước, giao thông trên địa bàn Tp.HCM vi phạm rất nhiều lỗi về đảm bảo an toàn giao thông, tái lập mặt đường bê bối, thi công chậm trễ tiến độ... gây ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, khách quan cũng có mà chủ quan cũng có. Thực tế đúng là có nhiều nhà thầu kém năng lực nên mới thi công bê bối, chậm trễ như vậy. Ngoài ra, khả năng tài chính của một số nhà thầu cũng hạn chế do họ phân bổ nguồn lực để thi công đồng thời nhiều dự án ở các địa phương khác nên thiếu vốn để thi công công trình tại Tp.HCM.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến các khó khăn khách quan do công trình được triển khai trong khu vực dân cư, trên đường đang lưu thông nên phát sinh nhiều vấn đề ngoài dự kiến, như: đụng công trình tiện ích ngầm, triều cường, đào đường tại các giao lộ...

Người dân hoàn toàn thông cảm với khó khăn khách quan của ngành giao thông. Nhưng thực tế có những công đoạn như dựng “lô cốt” sao cho chắc chắn, tái lập mặt đường phẳng phiu sau khi thi công... rất đơn giản nhưng lại được thực hiện quá cẩu thả?

- Theo quy định, nhà thầu sau khi đào đường lắp cống phải tái lập bằng hai lớp nhựa đường, nhưng nhiều nhà thầu chỉ tái lập tạm một lớp nên sau một thời gian ngắn đã bị hư hỏng. Tương tự, phần đường chừa lại cho người dân lưu thông bên ngoài “lô cốt” cũng bị để cho hư hỏng, khiến việc đi lại càng khó khăn. Sở GTVT đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên cũng có cái khó cho nhà thầu là đáng lẽ theo thiết kế ban đầu, trong quá trình thi công các dự án thoát nước, phải rào chắn toàn bộ tuyến đường, thi công xong mới cho lưu thông trở lại. Nhưng do đặc thù của Tp.HCM lưu lượng xe cộ nhiều, nếu rào hết đường thì không còn chỗ mà đi, do đó nhà thầu phải bố trí một phần đường nhỏ cho người dân lưu thông. Vừa thi công vừa đảm bảo lưu thông nên rất khó khăn.

Nói như vậy có vẻ Sở GTVT quá thông cảm cho nhà thầu mà bỏ qua quyền lợi của người dân?

- Thực tế chúng tôi rất nghiêm khắc, làm căng với nhà thầu chứ không có chuyện du di. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cũng cần linh động giải quyết một số khó khăn cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ. Sở cũng giao Thanh tra giao thông xử phạt nghiêm các vi phạm của nhà thầu.

Song thực tế thanh tra xử phạt mà lại không có cách nào buộc nhà thầu nộp phạt, điều này sẽ làm giảm sức răn đe của hình phạt?

 - Đúng là có tình trạng nhà thầu nợ đọng tiền xử phạt qua nhiều năm. Không phải không có cách nào buộc nhà thầu nộp phạt, mà trong trường hợp nhà thầu không đóng phạt thì sau này sẽ bị cấn trừ vào tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu. Chúng tôi xác định đã phạt thì phải có giải pháp cưỡng chế nộp phạt, nhưng quan trọng là cưỡng chế vào thời điểm nào có lợi cho mình. Ngay bây giờ chủ đầu tư và Sở GTVT chưa cưỡng chế lấy tiền của nhà thầu vì nếu làm căng thì nhà thầu thiếu vốn để thi công và dự án càng có nguy cơ kéo dài.

Với nhà thầu kém năng lực và thiếu vốn, sao không kiên quyết cắt hợp đồng để tìm nhà thầu khác mà cứ phải liên tục nhân nhượng?

- Đúng là về lý thuyết, nếu nhà thầu chây ì, vi phạm nhiều lần sẽ bị cắt hợp đồng, song thực tế không hề đơn giản. Chẳng hạn, ở dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), nhà thầu TMEC CHEC 3 đã bỏ giá đấu thầu gói số 7 quá thấp từ cách đây nhiều năm nên bây giờ càng thi công càng lỗ, dẫn đến chây ì. Nhưng nếu chúng ta cắt hợp đồng thì phải đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu mới (do đây là dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ), thủ tục đấu thầu rất chậm trong khi đến cuối năm 2011 phải xong toàn bộ dự án. Do đó, cắt hợp đồng nhà thầu vào thời điểm này là không có lợi.

Thực tế Sở GTVT cứ sợ cắt hợp đồng thì phải đấu thầu lại tốn thời gian, song giữ lại nhà thầu mà nhà thầu vẫn tiếp tục chây ì và bê bối thì cả tiến độ và chất lượng công trình đều không đảm bảo?

- Nếu việc thay thế nhà thầu được tiến hành sớm hơn là chuyện khác, còn bây giờ thời hạn hoàn thành dự án đã cận kề nên chủ đầu tư và Sở GTVT muốn tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp tục thi công. Một mặt chúng tôi tác động vào đơn vị chủ quản của nhà thầu để chấn chỉnh tiến độ thi công. Mặt khác, chủ đầu tư cũng xác định trước với nhà thầu sẽ dùng biện pháp tài chính để xử phạt tiến độ theo hợp đồng, về sau khi nghiệm thu công trình sẽ tính toán lại xem nhà thầu chậm trễ bao nhiêu thì trừ tiền bấy nhiêu. Với các nhà thầu quá chây ì và bê bối, sở sẽ ghi “sổ đen” để trình UBND TP xem xét cấm tham gia thi công các dự án trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Chọn “nhầm” nhà thầu, quản lý lỏng lẻo để nhà thầu liên tục vi phạm, trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu? Trước nay đã có ban quản lý dự án nào bị chế tài chưa, thưa ông?

- Đúng là chủ đầu tư có trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu trong các dự án vay vốn ODA cũng phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ chứ ban quản lý dự án không thể toàn quyền quyết định. Tôi cho rằng các ban quản lý dự án đều làm hết trách nhiệm, tuy nhiên cũng có những vấn đề ngoài tầm xử lý. Việc chế tài ban quản lý dự án sẽ do UBND TP xem xét, chỉ đạo.

(Theo Thanh niên)

  • 149
  • By Admin
  • 20/09/2010
  • 17