Nhà thầu Việt: Cần gì để thắng thầu?
Vậy cần cơ chế chính sách gì và các nhà thầu tự vươn lên như thế nào để thắng thầu? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) về vấn đề này.
Xin ông đánh giá khái quát về các nhà thầu xây dựng Việt Nam?
Sau 25 năm đổi mới hội nhập, ngành Xây dựng Việt Nam phát triển nhanh chóng. Trước đây, khi thi công Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn hay Thuỷ điện Sông Đà phải thuê hàng nghìn chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cả về quản lý, thực hành và công nghệ. Ngày nay, trên mọi lĩnh vực thi công phức tạp như: Công trình giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng đều do người Việt đảm nhận và làm chủ công nghệ. TCty LILAMA thực hiện tổng thầu EPC các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện từ 750 - 1.200MW, đảm nhiệm công trình lọc hoá dầu… Ngành Giao thông trước đây chúng ta không thi công được cầu thì nay đã có cầu Bãi Cháy, cầu Mỹ Thuận, cầu bê tông đúc sẵn, dự ứng lực, đường sắt, đường bộ, các cảng và sân bay… Lực lượng các nhà thầu hùng hậu phát triển nhanh chóng về số lượng và năng lực, tài chính, nhân sự và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học.
Mặc dù hùng hậu và tiến bộ như vậy nhưng các nhà thầu Việt hiện nay đang bị đánh giá là thua ngay tại sân nhà?
Vấn đề này là sự quan tâm lớn nhất của VACC. Đây cũng là vấn đề nóng nên VACC quyết định tổ chức hội thảo “Nhà thầu Việt - cần gì để thắng thầu” dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2011 tại Hà Nội. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của các đơn vị liên quan. Công trình lớn đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm tùy từng trường hợp cụ thể nhưng phần lớn do các lý do sau: Dự án có nguồn vốn tài trợ là nguồn ODA, quốc gia nào tài trợ thì nhà thầu của họ phải làm chủ thầu còn DN Việt Nam làm thầu phụ. Đây đều là điều kiện ràng buộc từ đầu để được vay vốn, nếu không đáp ứng được yêu cầu này tất nhiên sẽ không được tài trợ. Chương trình Hội thảo sẽ tập trung vào quá trình thương thảo hợp đồng giữa nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhà thầu để tìm ra nguyên nhân, tiếng nói từ nhiều phía.
Mỗi hợp đồng đều có lý do riêng, điều kiện hợp đồng có phải là không thể thực hiện được hay không, thưa ông?
Nhìn nhận một cách công bằng thì một số dự án nhà thầu Việt Nam không thể thi công được như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do là công trình mới hoàn toàn. Thực tế các nhà thầu nước ngoài chỉ đạo hướng dẫn còn nhà thầu nội thì chỉ thực hiện và học tập mà thôi. Trong trường hợp nhà thầu Việt có đủ kinh nghiệm, vốn lớn, thương hiệu như TCty Sông Đà mà vẫn chỉ được làm thầu phụ thì cơ quan thương thảo hợp đồng và cơ quan quản lý nhà nước phải chú ý tế nhị vượt khó với điều kiện không bị ràng buộc hoặc ràng buộc càng ít càng tốt.
Vậy theo ông, các nhà thầu Việt đã cố gắng vươn lên như thế nào?
Nhà thầu Việt hiện nay đã thi công các công trình nhà cao tầng từ lúc 25 tầng cho đến 40, 70 tầng rồi trên 100 tầng… Bên cạnh kinh nghiệm tích lũy được, họ còn tự xây dựng đội ngũ chuyên gia người Việt, nếu có khó khăn mới cần thuê đến chuyên gia nước ngoài. Điển hình như Thuỷ Điện Sơn La đã do các chuyên gia Việt làm chủ hoàn toàn. Tiến tới chủ động trong các khâu thiết kế, cải tiến ứng dụng vật liệu mới, công nghệ hiện đại, đưa lực lượng lao động trong nước ra nước ngoài… Các thương hiệu lớn như LICOGI, VINACONEX, Sông Đà, COFiCO… là những niềm vui mừng và thành tựu rất lớn của Ngành.
Ông đánh giá thế nào về thương hiệu các nhà thầu Việt hiện nay?
Các DN ngành Xây dựng chưa thực sự chú trọng đầu tư bài bản cho thương hiệu của mình. Năm 2010 chỉ có VINACONEX và Hoà Bình Corporation là hai thương hiệu của Ngành đạt danh hiệu “Thương hiệu quốc gia” do Ủy ban xây dựng thương hiệu Quốc gia xây dựng quy chế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tôi mong rằng các nhà thầu cố gắng đạt Thương hiệu Quốc gia nhiều hơn nữa, luôn luôn củng cố uy tín, phát triển bền vững và tất nhiên đó là cả một quá trình tạo dựng, giữ gìn liên tục không bao giờ dừng lại trên mọi phương diện: Tiến độ, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường… Đến một lúc nào đó, các thương hiệu này không những làm tốt công trình trong nước mà còn phải vươn ra nước ngoài như thương hiệu nhà thầu ASEAN, nhà thầu Châu Á…
Thế còn hạn chế lớn nhất của nhà thầu Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?
Chính là cạnh tranh trên sân nhà. Nhưng công trình vốn ngân sách nhất quyết phải cho nhà thầu Việt thi công. Công trình vốn tài trợ của quốc tế thì các nhà thương thảo sắc bén tránh ràng buộc. Bản thân các nhà thầu phải tự phấn đấu đào tạo nguồn nhân lực chuyên gia giỏi, ngoại ngữ tốt, kỹ thuật máy móc hiện đại và khẳng định bằng chất lượng và tiến độ công trình. Có những yếu tố này, thực tế có những nhà thầu Việt không cần tham gia đấu thầu cũng được các nhà thầu quốc tế tin tưởng chỉ định làm thầu phụ.
Xin cảm ơn ông.
VACC liên kết, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà thầu, làm cầu nối với chính quyền, cơ quan quản lý thông qua diễn đàn hội thảo, tọa đàm, tạp chí, website… Hỗ trợ đào tạo nhân lực trình độ cao, quan hệ với các đối tác nước ngoài xúc tiến thương mại, tạo dựng các cơ hội hợp tác… qua đó giúp các thành viên hội nhập với nhà thầu ASEAN, hướng tới mục tiêu chung của xây dựng khu vực là xanh - bền vững. |
(Theo xaydung)
- 0
- By Admin
- 17/05/2011
- 17