Nhà tái định cư Hà Nội đang bị "bỏ rơi"?
Theo thống kê, toàn Hà Nội hiện có khoảng 155 tòa nhà tái định cư, phần lớn đã xuống cấp dù mới đi vào hoạt động chưa lâu. Trong đó, nhiều tòa nhà tái định cư xuống cấp nhanh, gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân như: Khu tái định cư Nam Trung Yên, Khu tái định cư 5,3 ha Dịch Vọng, Khu tái định cư Đền Lừ…
Một điểm chung tại những khu nhà tái định cư này là thời hạn bảo hành các công trình thường rất ngắn (hầu hết từ 1 - 2 năm, tối đa là 5 năm). Vì vậy, sau khoảng 10 năm sử dụng, hiện nay các tòa nhà này đã xuống cấp, buộc phải xử lý và cải tạo, thế nhưng gần như trách nhiệm của nhà thầu và các đơn vị cung ứng đã không còn với dự án, còn chủ đầu tư thì lẩn tránh.
Vào thời điểm khi các dự án nhà tái định cư bắt đầu triển khai tại Hà Nội, một số chủ đầu tư cũng đặt vấn đề kéo dài thời gian bảo hành công trình, tuy nhiên do vướng mắc về câu chuyện ký quỹ nên mọi chuyện bế tắc. Theo quy định tại Nghị định 209/2009/NĐ-CP, nhằm ràng buộc trách nhiệm bảo hành, đơn vị cung ứng sản phẩm và nhà thầu phải gửi một khoản tiền từ 3 - 5% giá trị hợp đồng cho chủ đầu tư giữ. Khoản tiền này có thể là toàn bộ lợi nhuận từ việc thi công công trình. Nhưng vấn đề là nếu kéo dài thời hạn bảo hành, thì số tiền này cũng sẽ bị “giam” thêm thời gian, vì vậy các bên đã tìm cách rút ngắn thời gian bảo hành xuống càng nhanh càng tốt.
Cầu thang cảm giác mạnh tại Khu nhà tái định cư Đền Lừ. Ảnh: Dũng Minh |
Theo một chuyên gia về thị trường BĐS, ở các nước phát triển, bất cứ công trình cao tầng nào, ngay cả cao cấp, trung cấp hay nhà ở giá rẻ bình dân, nhà tái định cư, thì những doanh nghiệp có thương hiệu rất có trách nhiệm với sản phẩm của họ và thường theo dõi sản phẩm trong suốt chiều dài tuổi thọ. Trong khi ở Việt Nam, cơ chế trách nhiệm còn mù mờ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng công trình cao tầng, thậm chí có nhà thầu chỉ cần tư vấn giám sát đồng ý nghiệm thu là… xong.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, một điểm lạ là đầu tư xây dựng ở Việt Nam chỉ biết dựng nhà lên rồi nghiệm thu và bàn giao công trình, sau đó hết trách nhiệm. Đáng buồn hơn cả là vốn dĩ chất lượng nhà tái định cư đã ở mức thấp, lại phải chạy theo tiến độ do sức ép giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương, trong khi gần như không được bảo hành nên công trình xuống cấp nhanh hơn cả tập thể cũ.
Theo phản ánh của nhiều cư dân sống tại nhà tái định cư Dịch Vọng, Đền Lừ, về mặt pháp lý, những quy định chỉ nêu thời gian bảo hành đối với công trình cấp đặc biệt và cấp một là không ít hơn 24 tháng, còn các công trình còn lại thì thời gian bảo hành không ít hơn 12 tháng. Vậy nên, nếu hợp đồng thi công với chủ đầu tư ban đầu họ chỉ ký khoảng 12 tháng thì gần như sẽ không phải chịu trách nhiệm gì cả. Vì tình trạng xuống cấp ít nhất phải từ 2 - 3 năm trở lên mới bộc lộ rõ.
Do đó, cư dân sống tại đây đã yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành “đại tu” dự án sau khi đưa vào sử dụng 2 - 3 năm và dự án có dấu hiệu xuống cấp. Nhưng chủ đầu tư vẫn bỏ mặc và để công trình xuống cấp trầm trọng.
Một cư dân sinh sống tại Tòa nhà N02, Khu tái định cư Dịch Vọng, Cầu Giấy bức xúc cho biết, hãn hữu lắm mới thấy có người xuống kiểm tra lại tòa nhà, từ thang máy, cho đến các thiết bị báo động, cứu hỏa, cửa kính khu vực sở hữu chung của tòa nhà, đèn đường. Nhưng đó mới chỉ là kiểm tra, còn để thay thế thì chưa thấy. Chỉ khi cư dân kiến nghị gắt gao và phản ánh tới báo chí thì các thiết bị hỏng mới được thay. Tuy nhiên, có vẻ như ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư chỉ làm cho có, bởi sau đó đồ vừa mới thay lại hỏng rất nhanh. Vì vậy, khẩn thiết mong cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp cho vấn đề này, tránh làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người sinh sống tại các khu tái định cư.
- 0
- By Admin
- 21/06/2016
- 17