Nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội: Chưa "xử" xong, lại "mọc" tiếp
Dù đã có nhiều cơ quan chức năng tham gia nhưng câu chuyện "dẹp" nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang là vấn đề nan giải, chưa thể giải quyết triệt để tại Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm nay.
Có một sự thật là, cứ ở đâu có đường mới là ở đó sẽ xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Lấy một ví dụ, đường Trần Phú kéo dài (điểm đầu là nút giao thông Trần Phú - Lê Trực – Ông Ích Khiêm và điểm cuối là nút giao thông Kim Mã - Sơn Tây (Ba Đình) dù mới chỉ được thông xe từ đầu tháng 2/2015 vừa qua nhưng đến nay đã xuất hiện khá nhiều nhà siêu mỏng.
Tuyến đường này có chiều rộng 22m và dài 450m với tổng vốn đầu tư vào khoảng hơn 225 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét đường ở đây có chi phí lên tới 500 triệu đồng (gồm cả chi phí cho khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng).
Theo quan sát của phóng viên, hiện đã xuất hiện khá nhiều nhà siêu mỏng ở hai bên đường. Có căn nhà còn được chủ nhân làm cửa xếp khóa trái. Một số căn nhà khác vẫn đang trong tình trạng phá dỡ dở dang, có độ cao khác nhau khiến con phố đắt giá trở nên khá lem nhem.
Đường Trần Phú kéo dài vừa mới được thông xe vào đầu tháng 2 cũng đã xuất hiện những căn nhà siêu mỏng |
Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (từ nút giao thông Nguyễn Văn Huyên – Nguyễn Khánh Toàn đến nút giao thông Cầu Giấy) có chiều dài 500m với tổng vốn đầu là hơn 900 tỷ đồng dù chưa hoàn thiện nhưng hiện nay cũng đã xuất hiện nhà siêu mỏng. Một số căn nhà siêu mỏng đang được quây kín lại để thi công, có căn nhà thì đã hoàn thiện, sơn màu mới và đóng kín cửa.
Tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, tuyến phố được mệnh danh làđắt nhất hành tinh, dù đã được thông xe cả năm nay nhưng vẫn chình ình nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo khiến tuyến phố trở nên xấu xí.
Ngay từ khi tuyến đường này mới hoàn thiện và xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo, khi trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã từng nhấn mạnh: Tuyến đường này được xây dựng sau khi có Luật quy hoạch đô thị. Để nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo "mọc" lên như vậy là vì Hà Nội thả lỏng cho việc thực hiện tuyến đường không đúng Luật quy hoạch.
“Xét về mặt logic, nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ là hậu quả. Chúng ta chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng thôi thì giải quyết xong lần này, lần khác sẽ lại bị tương tự, nếu không lường trước, tương lai sẽ lại tiếp tục tái diễn ở những con đường khác”, ông Liêm cảnh báo.
Ông Liêm cũng cho rằng: “Trách nhiệm này thuộc UBND TP. Hà Nội. Làm con đường trong đô thị không phải công việc của riêng đơn vị làm đường, mà là việc phát triển cả một khu vực đô thị nơi có con đường đó đi qua. Trong khi đó, chúng ta lại tách chuyện làm đường và phát triển đô thị hai bên đường ra làm hai khâu riêng là không đúng. Làm đường không chỉ để đi mà còn làm cho phố đẹp, đô thị khang trang nữa”.
Đúng như lời cảnh báo của TS. Phạm Sỹ Liêm, những con đường mới hoàn thành như Trần Phú kéo dài hay sắp hoàn thành như Nguyễn Văn Huyên vẫn tiếp tục lặp lại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
- 0
- By Admin
- 18/03/2015
- 17