Nhà phố đẹp mê ly với giếng trời
Trong thiết kế nhà ở, đặc biệt là các nhà nhỏ như lô phố, biệt thự liền kề, vấn đề thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho ngôi nhà rất khó khăn, thậm chí đối với nhiều nơi là không thể. Sử dụng giếng trời là giải pháp tỏ ra khá hiệu quả cả về mặt không gian, thẩm mỹ và kỹ thuật với loại nhà này.
Dù vậy, âm thanh truyền trong giếng trời rất vang và rõ. Người ngồi tầng dưới nói chuyện, người tầng trên có thể nghe, làm mất sự riêng tư hoặc làm phiền lẫn nhau. Ở một số vùng, nắng mùa hè rất gắt, nhất là vào buổi trưa nắng chiếu thẳng xuống giếng trời, còn có thể gây thừa sáng, chói loá, ảnh hưởng hoặc hư hại tới sàn gỗ, đồ đạc. Làm sao để tránh được những nhược điểm này?
Vị trí và cấu trúc của giếng trời
Bằng cách cẩn thận lựa chọn vị trí của giếng trời trong nhà phố của bạn, bạn có thể kiểm soát được lượng nhiệt cũng như ánh sáng mà nó cung cấp.
Về bố cục mặt bằng, không gian này thường được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, cùng việc kết hợp với cầu thang tạo nên một ô giếng trời với diện tích lấy sáng và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vẫn tùy thuộc vào cấu trúc của ngôi nhà, quan điểm thiết kế của KTS và sở thích của chủ nhân, ô giếng trời có thể sẽ được thiết kế ở những vị trí khác nhau.
Khi được xây quay về hướng Bắc, một giếng trời sẽ cung cấp ánh sáng tương đối ổn định nhưng mát mẻ vào buổi sáng. Khi quay về hướng Đông - phải đối mặt với sức nóng mặt trời vào buổi sáng. Khi quay về hướng Tây - phải đối mặt với sức nóng khủng khiếp của mặt trời vào buổi chiều.
Nếu sống ở vùng lạnh thì nhà chọn xây giếng trời vào hướng Nam là sự lựa chọn tốt nhất. Thật không may, lựa chọn kiểu kiến trúc này phải chịu nóng nhất trong mùa hè. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp để che mái nhà và lá cây rụng vào mùa đông.
Trang trí và thiết kế
Thông thường, khi nhà ống có chiều dài khoảng 10m trở lên thì nên thiết kế giếng trời. Độ rộng giếng trời tùy thuộc vào diện tích khu đất, nhưng không nên nhỏ hơn 1m vì sẽ gây thiếu thẩm mỹ. Nhà càng cao thì giếng trời càng phải rộng.
Cấu tạo giếng trời có 3 phần gồm phần chân tiếp xúc mặt đất, phần lưng và phần mái. Phần chân giếng trời ở tầng dưới cùng nên được sử dụng để trang trí, làm tiểu cảnh, bố trí cây hoa, non bộ và có thể hòa lẫn vào một không gian chức năng nào đó của công trình như phòng khách, phòng ăn hay không gian sảnh. Nếu trồng cây thì nên trồng các loại cây ít phải chăm bón vì việc chăm bón có thể làm ảnh hưởng và có thể làm mất vệ sinh cho các tầng dưới. Cây trồng ở giếng trời nên là những loại không gây hại, không có mùi hương đậm vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến các tầng nhà và ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống trong ngôi nhà đó.
Phần lưng là nơi chiếu sáng cho các tầng bên trên. Các phòng hoặc khoảng không gian tiếp xúc với giếng trời ở phần lưng nên có các cửa sổ, ô gió... để thông gió và lấy sáng tối đa. Các mảng tường nên được trang trí để tăng thêm thẩm mỹ. Để nhấn mạnh không gian bạn có thể thay những mảng tường đơn điệu thường thấy bằng cách sử dụng một số vật liệu ốp lát từ đá thiên nhiên hoặc sử dụng những màu sắc, những hình vẽ hoa văn trang trí sống động cho bức vách. Bạn cũng có thể trang trí giếng trời giống như một thác nước, một vách nổi để tạo cảm giác đưa thiên nhiên vào trong nhà.
Để tranh thủ không gian, với một chiếc ghế tựa nhỏ hoặc thêm vài chiếc đôn bạn cũng có thể biến khu vực giếng trời thành chỗ ngồi thư giãn, đọc sách hay trò chuyện hoặc làm nên một “sân chơi” thoáng mát cho trẻ...
Trên mái giếng trời phải có cửa thoát gió phía trên và được chiếu sáng trực tiếp để phát huy tối đa khả năng thông gió và chiếu sáng. Để phù hợp từng vị trí, yêu cầu chiếu sáng và thông gió thì vật liệu lợp có thể là kính trắng, kính màu, có rèm che hay phần mái có thể đóng mở linh hoạt.
Nhược điểm của giếng trời là gây tiếng ồn. Vì vậy, cần chọn bố trí các vật liệu chống ồn. Nơi trồng cây, bố trí thác nước phải được chống thấm tốt. Chỗ trồng cây phải thuận tiện tưới nước. Các vật dụng treo ở thành cầu thang, giếng trời phải dễ dàng lắp đặt, tháo dỡ, không va đập vào đầu người đi lại. Ngoài ra, các cửa sổ, hành lang mở ra giếng trời phải bố trí lan can an toàn cho trẻ nhỏ. Không bố trí chỗ ngồi ngay dưới chân giếng trời để đảm bảo an toàn.
- 223
- By Admin
- 24/07/2014
- 17