• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở xã hội tại khu vực Đông Nam Bộ bị đình trệ do thiếu vốn

Theo kết quả kiểm tra những dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Biên Hòa của UBND tỉnh Đồng Nai vừa qua, trong tổng số 91 dự án nhà ở xã hội đang được thực hiện, chỉ có 23 dự án hoàn thiện theo tiến độ, còn lại gần 70 dự án đang phải dừng thi công bởi chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Tìm hiểu thực tế của phóng viên tại một số dự án phải tạm dừng thi công trên địa bàn các phường Bửu Long, Tam Hòa cho thấy, hầu hết các dự án này hiện không thể vay được vốn từ ngân hàng do chủ đầu tư đã hết vốn đối ứng.

Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Sơn An (chủ đầu tư của Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở phường Tam Hòa) Nguyễn Khắc Sơn cho biết, lẽ ra từ cuối năm 2014, dự án của doanh nghiệp phải hoàn thiện nhưng vì số tiền huy động được từ nguồn vốn góp của người mua nhà chỉ được khoảng 20 tỷ đồng nên dự án này mới chỉ thi công được phần móng và 2 tầng nền.

Theo ông Sơn, công ty đã thực hiện thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng vào năm 2010 từ ngân hàng VietinBank nhưng không được duyệt vì thiếu vốn đối ứng và ngân hàng cũng lo ngại khả năng tiêu thụ những căn hộ trong dự án. Hiện nay, công ty đang làm thủ tục vay tiền từ MHB để tiếp tục triển khai dự án. Nhưng khả năng vay được vốn của doanh nghiệp là khá thấp bởi dự án chưa thuyết phục được bên ngân hàng về khả năng thanh khoản.

nhà ở xã hội
Do thiếu vốn thi công, nhiều dự án nhà ở xã hội dang dở (ảnh minh họa)

Năm 2015, tại Tp.HCM, ngành xây dựng sẽ thực hiện khoảng 20 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khả năng sẽ chỉ có 7 dự án được hoàn thiện, đạt khoảng 35% so với chỉ tiêu đề ra. Còn lại 13 dự án sẽ hoàn thiện sau năm 2015 do vốn đối ứng của chủ đầu tư và vốn ngân sách không đủ để hoàn thành dự án.

Lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội tại quận 7, Tp.HCM cho hay, Luật Nhà ở hiện hành quy định, nguồn vốn đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội chủ yếu tới các nguồn chính sau: Tiền thu được từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và trích từ 30-50% tiền sử dụng đất hoặc từ vốn ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách hiện nay phải chi cho nhiều lĩnh vực, tiền thu được từ việc cho thuê, bán nhà thì phải dùng cho nhiều mục đích khác.

Vì thế, số tiền còn lại dành cho các dự án nhà ở xã hội không nhiều và được giải ngân tương đối chậm. Hơn nữa, Nghị định 71/2010/NĐ - CP của Chính phủ (về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) quy định, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách đầu tư chỉ được cho thuê nhà, không được phép mua bán. Khi triển khai các dự án nhà ở xã hội, điều đó cũng hạn chế vấn đề huy động vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chấp thuận để chủ đầu tư các dự án (kể cả các cá nhân, hộ gia đình) phát triển nhà ở với mục đích bán, cho thuê mua, cho thuê đối với công nhân; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho thu nhập từ hoạt động kinh doanh, đầu tư nhà ở cho công nhân và được bù lãi suất hoặc được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định. Trong khi đó, ngành xây dựng Tp.HCM cũng vừa kiến nghị chính quyền địa phương giao cho Quỹ Phát triển nhà ở Tp.HCM tiếp quản nguồn dư nợ của các ngân hàng thương mại Nhà nước để cho vay lại từ nguồn của Quỹ với mức lãi suất 6%/năm và giữ ổn định trong 10 năm.

  • 134
  • By Admin
  • 28/02/2015
  • 17