• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở xã hội đội giá vì thủ tục hành chính

Khi chi phí tăng, doanh nghiệp (DN) sẽ tính vào giá thành căn hộ và người mua phải chịu khoản này. Vì vậy, việc tinh giản tối đa thủ tục hành chính (TTHC) sẽ giúp người dân có cơ hội mua được nhà rẻ hơn.

33 thủ tục cho một dự án

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam Trần Văn Thành, thủ tục đầu tư dự án, cơ chế xin - cho đang làm các nhà đầu tư nản lòng vì nó góp phần làm giá thành nhà tăng lên. Một dự án của công ty tại quận 9, TP HCM làm thủ tục giao 20% đất trong dự án để làm nhà xã hội, nhưng hơn một năm vẫn chưa xong, vì các cơ quan đẩy việc cho nhau.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, cho rằng trong lúc giá vật liệu xây dựng, nhân công và nhất là giá đất ngày càng tăng, DN nào cũng muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và giúp người dân mua được nhà giá rẻ nhất. Tuy nhiên, những cố gắng đó đang bị “cản đường” bởi TTHC.

Theo ông Đực, TTHC trễ một năm thì giá thành một dự án sẽ đội lên từ 10 - 15%. Trong khi đó, với thực trạng luật chồng chéo như hiện nay, một dự án phải trải qua 33 thủ tục, mất gần ba năm làm cho giá thành căn hộ tăng thêm từ 30 - 40% so với giá ban đầu. Ông Đực dẫn chứng, dự án Đông Hưng Thuận ở quận 12, TPHCM, của công ty theo kế hoạch thì khởi công cách đây ba năm nhưng do vướng quy định về đền bù nên đến nay vẫn chưa triển khai. “Nếu như ba năm trước, công ty dự kiến bán căn hộ với giá 9 triệu đồng một m2 nhưng nay buộc phải tăng lên lên 13 triệu đồng”, ông Đực cho biết.

Chủ đầu tư một dự án nhà giá thấp khác trên địa bàn quận 12, TP HCM cũng phải tăng giá bán từ 6 - 7 triệu đồng lên 13 triệu đồng một m2 do không thể khởi công đúng như kế hoạch vì bị TTHC “níu chân”. “Đối với những dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà giá thấp, nhà cho công nhân… bị trễ ngày nào, hy vọng sở hữu nhà của người dân càng mong manh ngày đó”, vị giám đốc này nói.

Không cần tiền, chỉ cần cơ chế

Ông Nguyễn Phụng Triều, Giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn - Gia Định, cho rằng nếu các TTHC không được cải thiện, Chính phủ càng khó thực hiện được mục tiêu đề ra là xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội mỗi năm vì giá đất, chi phí xây dựng liên tục tăng và đề án sẽ trở nên lạc hậu. Ông Triều đề xuất: “DN đền bù đến đâu, tạm cấp giấy chủ quyền đến đấy để cầm đi vay làm dự án. DN không cần hỗ trợ lãi suất, miễn thuế mà chỉ cần hỗ trợ trong việc cấp giấy chủ quyền”.

Ngoài ra, để “cởi trói” cho nhà ở xã hội, các DN cho rằng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nhất là số dân cư phải tăng lên 20-50% so với các dự án nhà ở khác. Nên bỏ quy định tối đa 6 tầng của nhà ở xã hội như trong Luật Nhà ở. Quy định cứng nhắc cứ căn hộ bốn người thì diện tích phải lớn hơn 45m2 cũng làm khó cho phân khúc thị trường này. Nên đa dạng hóa căn hộ từ 1, 2, 4 người, với diện tích 20 - 30 - 70m2 cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khác nhau.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, hiện thành phố mới có hai dự án nhà ở xã hội được xây dựng do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, với khoảng 300 căn hộ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng mỗi năm nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP HCM khoảng 30.000 căn, trong khi nguồn cung như “muối bỏ biển”.
 

Theo Đất Việt
  • 0
  • By Admin
  • 30/11/2009
  • 17