Nhà ở xã hội, chung cư mini vẫn loay hoay gỡ khó
Nhu cầu nhà ở xã hội tại Tp.HCM đang là thách thức lớn trong những năm tới. |
Quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình trọng điểm được Thành ủy TP Hồ Chí Minh (Tp.HCM) xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Nhiều giải pháp phát triển nhà ở đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong chính sách nhà ở và quy hoạch cần phải khắc phục.
Nhà ở xã hội và căn hộ mini là hai dòng sản phẩm được người tiêu dùng chờ đón nhưng việc xây dựng nhà ở loại này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Nhà ở xã hội loay hoay tìm cơ chế
Dù Tp.HCM đã rất nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội nhưng đến nay chương trình này vẫn chưa được như mong muốn. Con số 112 căn nhà ở xã hội đầu tiên được xét duyệt tại chung cư Đông Hưng Thuận (quận 12, Tp.HCM) là quá ít ỏi. Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Tp.HCM, đến năm 2010, cần phải có một quỹ nhà ở khoảng 70.000 căn hộ để cung cấp chỗ ở cho đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, giáo viên... Đây là những đối tượng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, với thu nhập như hiện tại, họ sẽ không thể nào tạo dựng được một chỗ ở cho bản thân.Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, trong số hơn 100 dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp được đăng ký, đến nay mới có 2 dự án đang xây dựng và 4 dự án xong phần thủ tục! Ngoài quỹ đất, nguồn vốn thì thủ tục, cơ chế là hai rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp, người dân muốn tham gia chương trình này.
Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở Tp.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách hạn chế. Trong khi đó, việc khuyến khích các chủ đầu tư tham gia bỏ vốn xây dựng nhà ở thu nhập thấp không đạt hiệu quả vì tính kinh tế không cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu thập thấp, các chủ đầu tư phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, giá căn hộ thì do Nhà nước thẩm định, đối tượng được mua lại hạn chế và Nhà nước thì chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các đối tượng này nên việc thu hồi vốn lâu.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, đối với chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước phải thể hiện vai trò chính. Cụ thể, đối với việc xây dựng chỗ lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên thì dứt khoát phải bằng nguồn lực của Nhà nước. Riêng đối với người có thu nhập thấp thì nên xã hội hóa bằng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tham gia.
Chung cư mini vẫn bế tắc
Loại hình nhà ở được giới bất động sản kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán nhà ở đó là chung cư mini cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật về nhà ở có hiệu lực thi hành từ 8/8/2010, chính thức thừa nhận loại hình chung cư mini.Tuy nhiên, việc cho ra đời loại căn hộ mini dự báo sẽ rất bất lợi trong quản lý đô thị, khi dân số tại Tp.HCM đã quá tải. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng là sẽ quản lý đô thị như thế nào, khi người dân đua nhau xây chung cư mini để bán.
Theo ông Quách Hồng Tuyến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, trên địa bàn thành phố hiện nay chưa có quận, huyện nào cấp giấy phép cho dạng nhà ở này. Chung cư mini là một dạng nhà ở riêng lẻ, do UBND quận, huyện cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch, quy chuẩn chung. Khi xin giấy phép xây dựng, chủ nhà phải nói rõ mục đích chia thành nhiều căn hộ để bán. UBND quận, huyện phải xét đến quy hoạch, hạ tầng, quy mô dân số của khu vực... để quyết định cho xây hay không. Trong giấy phép xây dựng sẽ ghi rõ làm nhà ở riêng lẻ chia thành nhiều căn hộ để bán.
Đối với những người có thu nhập thấp nhưng không thuộc diện được mua nhà ở xã hội thì có thể tính đến việc được sở hữu một căn hộ thuộc chung cư mini. Chính vì thế mà thị trường nhà ở loại này đã trở nên sôi động, thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi mua loại căn hộ này, khách hàng phải hết sức cân nhắc. Chung cư mini có thể là giải pháp để giải quyết nhu cầu thực về nhà ở, song đó chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Đây là một loại hình mới nên hiện giờ chưa thấy hết được những hệ lụy nảy sinh.
(Theo BTT)
- 0
- By Admin
- 11/04/2011
- 17