• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở xã hội: bao giờ giấc mơ thành hiện thực?

 
Khu nhà ở xã hội cho công nhân thuê trong KCN Thăng Long (xã Kim Chung - Đông Anh). Ảnh: Viết Thành
Bài 1: Khát vọng an cư

* 1/3 số công chức chưa an cư

* Mới có 1/4 số hộ gia đình có nhà kiên cố

* Cần nguồn vốn lớn

 

Sau khi bỏ chế độ bao cấp nhà ở, đến nay Nhà nước hầu như chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về nhà ở cho CBCC, đối tượng thu nhập thấp và các hộ nghèo tại khu vực đô thị. Trong khi đó, sự phát triển mạnh các khu công nghiệp (KCN) cũng đặt ra vấn đề nan giải về chỗ ở cho người lao động.

 

Nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn bỏ trống

 

Có một nghịch lý trong việc phát triển nhà ở hiện nay là các DN hầu như chỉ chú trọng đến các dự án nhà ở thương mại để bán cho đối tượng có thu nhập cao. Trong khi, các đối tượng thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị (gồm CBCC, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách; các hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế…) và công nhân lao động tại các KCN tập trung không đủ khả năng tài chính để cải thiện chỗ ở.

 

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, mới  có 2/3 trong số gần 2 triệu CBCC hưởng lương ngân sách đã tự lo được nhà ở; 1/3 còn lại chủ yếu ở các đô thị lớn, chưa có chỗ ở ổn định, phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm trong những căn hộ không đủ tiêu chuẩn. Tại các KCN tập trung, mới có khoảng 20% trong tổng số 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2 đến 1,5 triệu lao động gián tiếp có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn chưa có hoặc đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN tập trung đều phải thuê nhà trọ của tư nhân, với giá thuê 50.000 đồng - 150.000 đồng/người/tháng, diện tích chật hẹp (bình quân 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội. Bộ Xây dựng nhận định, chỗ ở cho người lao động tại các KCN là vấn đề nan giải, vì số lượng lao động tăng nhanh trong điều kiện quy hoạch phát triển các KCN thiếu đồng bộ.

 

Với chỗ ở cho học sinh, sinh viên, kết quả điều tra cho thấy cả nước đã có gần 400 trường đại học và cao đẳng; khoảng 340 trường trung cấp nghề, với tổng số gần 3 triệu học sinh, sinh viên. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giải quyết chỗ ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng với mục tiêu đến năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn tập trung có nhu cầu nội trú được ở trong ký túc xá, với diện tích bình quân khoảng 3m2/sinh viên. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở đào tạo, cũng như số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, cùng với khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng ký túc xá, nên đến nay mới chỉ có khoảng 22% số học sinh, sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xá.

 

Ngoài ra, tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình đang sống trong điều kiện chỗ ở không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố và 19% sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững được làm từ các nguyên, vật liệu rẻ tiền, hơn 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp phải tận dụng không gian nhà ở chật hẹp của mình để làm dịch vụ cải thiện thu nhập.

 

Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng trong năm 2009, hoàn thành vào năm 2010 và quý II năm 2011 khoảng 200.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Cần sự hỗ trợ từ cộng đồng

 

Kết quả điều tra, khảo sát về tình hình thu nhập của CBCC, viên chức tại các cơ quan TƯ cho thấy hầu hết CBCC, viên chức đều có nguồn thu nhập từ tiền lương là chủ yếu. Khả năng tích lũy của các hộ gia đình công chức nhà nước rất thấp, trong khi phải chi cho nhiều khoản khác nhau như ăn uống chiếm 25%, mua sắm đồ dùng gia đình 18%, học tập của bản thân và con cái 11%, giao tiếp xã hội 11%, điện nước sinh hoạt 8%, may mặc 6%, khám chữa bệnh 4%... Như vậy, khả năng tích lũy để dành cho mua nhà ở tối đa chỉ đạt khoảng 11% tổng thu nhập, một tỷ lệ rất thấp so với chi phí tiền nhà ở thực tế hiện nay. Đại bộ phận những người lao động rất khó có điều kiện để tạo lập chỗ ở của mình, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc của cộng đồng.

 

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở đã quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế Nhà nước và các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho một số đối tượng có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở thuê hoặc thuê mua. Song đến nay, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa có chuyển biến. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, các chủ đầu tư phải vay với lãi suất cao, thời gian thu hồi vốn dài, giá cho thuê hoặc thuê mua do Nhà nước quy định nên hầu như không có lợi nhuận...


Theo Hà Nội Mới

  • 0
  • By Admin
  • 09/04/2009
  • 17