Nhà ở xã hội - Thu nhập thấp: “Xin – cho” mua căn hộ
Phát triển loại hình nhà cho những người có thu nhập thấp là một chủ trương đúng đắn. Nhưng nếu thực hiện không đúng, không trúng thì sẽ là mầm mống nảy sinh tiêu cực. Đây là vấn đề “nóng nhất” được đặt ra khi những căn hộ đầu tiên thuộc đề án nhà ở xã hội – nhà ở thu nhập thấp được đưa vào phân phối.“Xin – cho” mua căn hộ
Chen nhau nộp hồ sơ mua nhà giá thấp của Vinaconex Xuân Mai. Ảnh: Võ Hải |
Chị Hồng Nhung, giáo viên một trường mầm non ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể: “Cả tháng nay trường tôi xôn xao chuyện nhà ở xã hội. Lúc đầu tôi cũng “bon chen” đăng ký, nhưng sau thấy nhiều người đăng ký quá, biết mình không đến lượt nên thôi. Tôi đã tự rút hồ sơ”.
Chị Nhung cho biết thêm, lúc đầu mọi người rất hồ hởi với thông tin những người có khó khăn về nhà ở sẽ được ưu tiên thuê/mua nhà ở xã hội, nhưng sau khi làm hồ sơ, xin xác nhận thì ai cũng thấy “có vấn đề”. “Khó có thể có công bằng kiểu xét duyệt thế này”, chị Nhung bình luận.
Anh Xuân Tùng, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, quê ở Hưng Yên, đã ra trường, công tác ở Hà Nội được 4 năm nay, hiện vẫn phải thuê nhà, nay đây mai đó. Anh cho biết, sắp lập gia đình, nghe nói về dự án nhà thu nhập thấp của Vinaconex Xuân Mai, cũng “hí hửng” đi tìm hiểu để nộp hồ sơ. Nhưng sau một thời gian tất tả ngược xuôi, hỏi thủ tục, xin xác nhận của phường... anh Tùng cũng ngậm ngùi lắc đầu: “Chắc là không đến lượt mình”.
Cái lắc đầu của anh Tùng, điều e ngại của chị Nhung cũng là băn khoăn của nhiều người khi làm hồ sơ thuê/mua nhà theo diện ưu đãi. Muốn được thuê/mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp, người dân sẽ phải qua xác nhận, xét duyệt của cơ quan hoặc phường/xã. Đó là một bước có thể nảy sinh tiêu cực.
Tiếp đến sẽ đến xét duyệt của cơ quan phân phối nhà của tỉnh, thành phố với nhà ở xã hội; Xét duyệt của chủ đầu tư với nhà ở thu nhập thấp. Đây cũng là bước có thể nảy sinh tiêu cực khác.
Trong quy định mới nhất của Hà Nội, trong việc xét đối tượng mua nhà thu nhập thấp, đối tượng được ưu tiên đầu tiên là những công chức thủ đô, đang làm việc tại các quận nội thành có khó khăn về nhà ở. Như vậy chẳng phải là sẽ phát sinh nhu cầu “vào công chức”, tức là lại thêm một điểm nữa có thể phát sinh tiêu cực.
“Xin – cho” dự án
Chuyện “xin – cho” không chỉ nảy sinh trong quá trình phân phối sản phẩm nhà cuối cùng. Cơ chế “xin – cho” còn có thể nảy sinh ngay từ khâu đầu tư dự án.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị, hiện Nhà nước có 2 loại hình nhà: Nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội do UBND các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư. Cơ quan trực tiếp thực hiện đầu tư xây dựng thường là các sở xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc.
Còn với các dự án nhà ở thu nhập thấp, chủ đầu tư sẽ là các doanh nghiệp. Với loại hình nhà này, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu đầu tư xây dựng đến khâu xét duyệt hồ sơ, bán nhà.
Cơ chế “xin – cho” có thể nảy sinh từ mô hình này. Với những ưu đãi đặc thù, được chỉ định làm chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp có thể coi là một sự ưu ái.
Dự án sử dụng quỹ đất 20% tại các khu đô thị thương mại. Tức là, chủ đầu tư dự án sẽ thoát được một khâu rất rắc rối là giải phóng mặt bằng, nghiễm nhiên có “đất sạch”, có hệ thống hạ tầng tốt để thực hiện dự án.
Ngoài ra, dự án còn được ưu tiên vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương, nên tiến độ của các dự án có thể triển khai rất nhanh. Không những thế doanh nghiệp thực hiện dự án được miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm. Một điểm ràng buộc khá “khó chịu” với doanh nghiệp thực hiện dự án là giá bán căn hộ sẽ đảm bảo doanh nghiệp thực hiện được lợi nhuận tối đa 10%.
Đây có thể không phải là mức lợi nhuận hấp dẫn với chủ đầu tư xây dựng, tuy nhiên, với những ưu đãi trên thì với ai đã từng phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị thì đều thấy được chọn để thực hiện dự án là một sự ưu ái.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ được chọn thực hiện các dự án này? Lựa chọn dựa trên tiêu chí gì? Phải nói thêm, hiện nay theo quy định, các dự án nhà ở thu nhập thấp được thực hiện theo cơ chế “chỉ định thầu”. Còn cơ chế này vận hành ra sao thì lại là một câu hỏi khác.
Điểm giống và khác nhau giữa nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp - Nhà ở xã hội: Theo Luật nhà ở và Nghị định 71 hướng dẫn Luật nhà ở thì nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, là tài sản của nhà nước và chỉ dùng với mục đích cho thuê. - Nhà ở thu nhập thấp: Cho người sống ở đô thị, là loại hình nhà được đầu tư bằng nguồn vốn thương mại của các doanh nghiệp cùng với một số ưu đãi, khuyến khích của nhà nước. Vì thế, nhà ở thu nhập thấp là loại hình nhà ở thương mại có sự điều tiết của nhà nước về diện tích, giá cả, điều kiện và đối tượng được mua bán. Cụ thể, nhà ở thu nhập thấp có diện tích tối đa 70m², được miễn tiền sử dụng đất, được miễn giảm một số sắc thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng mật độ sử dụng đất và bị khống chế bởi đối tượng mua và tỷ lệ lợi nhuận 10%. - Điểm giống nhau: Đều dành cho các thành phần khó khăn về nhà ở trong xã hội mà không có điều kiện tự cải thiện. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
(Theo GiadinhNet)
- 0
- By Admin
- 16/10/2010
- 17