Nhà ở xã hội: Ngân hàng thận trọng, chính quyền chậm trễ
|
Khu đô thị Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm) có nhiều căn hộ dành cho người thu nhập thấp. |
Sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng cá nhân vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ 10 năm lên 15 năm. Đối tượng vay vốn cũng được đề nghị mở rộng sang trường hợp vay mua nhà thương mại có tổng giá trị hợp đồng không quá 1,05 tỷ đồng; hộ dân vùng bão, lũ có khó khăn về nhà ở; cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang vay xây dựng, sửa chữa nhà ở; các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước ngày 7/1/2013 (thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ) mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà. Ngoài 5 ngân hàng thương mại (NHTM) đang triển khai cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, NHNN và Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm một số NHTM cổ phần để đáp ứng nhanh nhu cầu giải quyết cho các đối tượng được vay.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, kể cả văn phòng cho thuê sang nhà ở xã hội và công trình dịch vụ; bố trí vốn ngân sách địa phương mua lại nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà xã hội cho thuê, thuê mua. Chỉ đạo chính quyền phường, xã xác nhận tình trạng nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu mua, thuê nhà xã hội. Bộ Xây dựng cho biết, chủ trương điều hành thị trường BĐS vẫn là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, nguồn cung tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng, nới điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giá rẻ để mua nhà sẽ là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự lưu thông cho thị trường.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết, quy định tưởng đơn giản nhưng thực tế triển khai phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội không tăng diện tích xây dựng, không phải điều chỉnh quy hoạch nhưng diện tích sử dụng mỗi căn hộ giảm lại khiến tăng dân số, mật độ ở, ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, xã hội nên vẫn phải xem xét. Trong khi đó, kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng chỉ đạt ở tỷ lệ rất thấp, mặc dù thời gian triển khai đã gần một năm. Tính đến ngày 15/4, mới có gần 4.000 khách hàng được cam kết cho vay 3.365 tỷ đồng, trong đó có 21 dự án, với số tiền là 1.862 tỷ đồng (thực tế 17 dự án được giải ngân 723 tỷ đồng). Số khách hàng cá nhân chiếm phần lớn, với số vốn cam kết hơn 1.504 tỷ đồng, song số tiền giải ngân mới đạt 975 tỷ đồng. Tuy có mục tiêu giúp đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản, nhưng thực tế gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang bị coi là chưa đạt kỳ vọng do thị trường thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ. Các NHTM thận trọng trong việc xác định đối tượng vay. Một số địa phương xác nhận đối tượng vay còn phiền hà, chậm trễ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện đã có 60 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội, với quy mô 38.897 căn; cùng với đó, 74 dự án xin chuyển đổi cơ cấu diện tích căn hộ, từ số lượng căn hộ ban đầu 33.867 căn tăng lên 44.881 căn. Tuy nhiên, số dự án được duyệt và triển khai rất chậm. Hà Nội xem xét, thẩm định 40 dự án, trong đó 15 dự án chuyển đổi sang nhà xã hội, 25 dự án thay đổi cơ cấu diện tích căn hộ, song đến nay mới có 6 dự án được chấp thuận chủ trương, 10 dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, 3 dự án được chuyển sang nhà xã hội, 3 dự án không đủ điều kiện. TP Hồ Chí Minh xem xét 26 dự án (10 dự án chuyển đổi, 15 dự án thay đổi cơ cấu diện tích, 1 dự án chuyển công năng sang bệnh viện), nhưng hiện có 10 dự án được chấp thuận cho phép. |
- 0
- By Admin
- 24/04/2014
- 17