Nhà ở xã hội: "Không nên lấy thu nhập để xác định đối tượng"
Quan điểm trên được TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng đưa ra trong cuộc trao đổi xung quanh những ý kiến phản hồi về việc Bộ Xây dựng căn cứ vào mức thu nhập công khai để lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ.
Ông Liêm nói:
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, thu nhập thấp là khái niệm mang tính chất định tính. Vì vây, nếu hướng nó theo định lượng là rất khó. Phần lớn thu nhập của các hộ gia đình hiện nay từ hai nguồn, một là từ những đồng lương chính thức, lợi nhuận từ kinh doanh có đăng ký.
Nhưng có một nguồn khác không chính thức (dù không phải là phi pháp) là từ việc làm thêm khi có điều kiện nhưng lại không đăng ký.
Ví dụ, hiện nay chúng ta đang không đánh thuế thu nhập chứng khoán nên không ai có thể kiểm soát được mỗi người chơi chứng khoán kiếm được bao nhiêu tiền, hay tiền dạy thêm, viết văn, viết báo…
Do vậy, không nên lấy tiêu chí định lượng để phân ra người thu nhập thấp với thu nhập trung bình hay thu nhập cao. Chúng ta đang bàn về nhà ở thì chúng ta phải bám sát yếu tố nhà ở để làm căn cứ lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ.
Có nghĩa rằng theo ông, nếu căn cứ vào thu nhập để xác định đối tượng thì dễ nảy sinh tiêu cực?
Hiện nay chúng ta vẫn nghĩ rằng, công chức thì ai không phải đóng thuế thu nhập là vẫn thuộc diện thu nhập thấp. Đó chỉ là lý thuyết. Khi mà đối tượng cần nhà rất lớn mà căn cứ thu nhập để cân đong thì dễ nảy sinh ra tiêu cực, kiện cáo…
Chính vì lấy căn cứ là thu nhập để xác định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội nên chính bản thân Bộ Xây dựng cũng phải thừa nhận là rất khó và nhạy cảm. Do đó, trong số 6 -7 thông tư hướng dẫn về nhà ở xã hội thì đến nay, Bộ này vẫn đang “nợ” thông tư cuối cùng là “hướng dẫn xác định đối tượng thụ hưởng”.
Tóm lại, theo tôi, nếu căn cứ vào thu nhập để xác định đối tượng thì sẽ dễ phát sinh nhiều tiêu cực, dối trá, chạy chọt để có được mức thu nhập “thấp” là đủ điều kiện.
Vậy, theo ông thì chúng ta nên chọn theo tiêu chí nào để đảm bảo công bằng và đúng đối tượng hơn?
Theo tôi, tiêu chí khá đơn giản là căn cứ vào điều kiện nhà ở hiện tại của các hộ gia đình và phân thành từng nhóm cụ thể thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, trong điều kiện nguồn cung còn hạn chế thì chúng ta nên ưu tiên công chức trước. Tuy nhiên, những đối tượng công chức được thụ hưởng phải đáp ứng điều kiện tối thiểu là 45 tuổi trở lên. Đây là tuổi cần có được một ngôi nhà ổn định. Còn lớp trẻ thì tạm thời có thể để họ đi thuê cũng là chấp nhận được.
Thứ hai là người đó phải đang ở trong căn nhà không đảm bảo điều kiện tối thiểu: có bình quân dưới 5m2/người và không có khu phụ độc lập hay đi ở nhờ nhà người khác…
Tất nhiên, nếu lấy tiêu chí là diện tích nhà để xác định đối tượng thì cũng phải có điều kiện đi kèm. Chẳng hạn như, nếu một gia đình có chỗ ở quá chật thì cũng phải có xác nhận là ở trong bao lâu. Nếu ở “khổ” càng lâu thì càng được ưu tiên.
Nhưng nếu phân thành đối tượng như vậy cũng dễ nảy sinh tiêu cực trong xét duyệt vì ai cũng muốn được hưởng trước?
Nhà nước hoàn toàn có thể tìm và quyết định đối tượng cấp bách nhất. Ở Anh họ cũng đã từng áp dụng hình thức này. Họ xác định trong từng giai đoạn cụ thể thì sẽ ưu tiên cho những đối tượng nào, chẳng hạn như cảnh sát, hộ lý, bưu tá… thì họ đã loại bớt được đối tượng tại thời điểm đó.
Ngay như ở Tp.HCM trước đây cũng đã hình thành các làng giáo viên, văn nghệ sỹ với sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, tôi cho rằng, mô hình này nên tiếp tục được áp dụng đối với nhà ở xã hội hiện nay.
Hơn nữa, đã là công chức thì bao giờ cũng có tổ chức công đoàn tại cơ quan đó. Vậy, thì Nhà nước phân phối chỉ tiêu và công đoàn sẽ tiến hành đánh giá hoàn cảnh từng cá nhân, gia đình là chính xác, sát thực nhất, bởi trong một đơn vị nhỏ thì mọi điều là gần như công khai, ai cũng biết nên sẽ hạn chế được tiêu cực, xin cho.
Có nghĩa là việc xác định đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội là không quá khó như Bộ Xây dựng “kêu”?
Đúng vậy, nếu chúng ta đừng có cầu kỳ quá. Kinh nghiệm của thế giới chỉ ra rằng: thể chế cũng có thể phức tạp, nhưng mà muốn có nó thì phải có trình độ, năng lực vận dụng giỏi. Do vậy, với thực tiễn của chúng ta hiện nay thì nên chọn những thể chế đơn giản hơn, dễ áp dụng để thuận lợi trong giám sát, quản lý thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Chúng ta luôn nhớ rằng, cái gì phức tạp quá thì luôn tạo ra lỗ hổng để nhiều người lợi dụng. Còn lúc nào đấy mà nền kinh tế phi chính thức không đáng kể thì chúng ta cũng có thể áp dụng tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng.
- 0
- By Admin
- 07/09/2009
- 17