• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở xã hội: Còn mông lung từ xây đến... quản

Tại hội thảo "Chính sách và giải pháp cho việc phát triển nhà ở xã hội" sáng 22/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam cho biết, sau khi xem xét, đánh giá dựa trên nhiều quan điểm, việc xác định tiêu chí thế nào là người thu nhập thấp sẽ được quy định thống nhất trong thông tư hướng dẫn về đối tượng mua nhà ở xã hội dự kiến ban hành trong tháng 8 tới.

Không ít dự án nhà ở xã hội mặc dù sắp hoàn thành song đến giờ vẫn chưa đưa sản phẩm đến với người có nhu cầu. Theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc ách tắc này là do có địa phương vẫn muốn can thiệp quá sâu vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng hoặc chưa làm hết trách nhiệm.

Trong quy định về việc chấm thang điểm xét duyệt đối tượng mua nhà, Bộ Xây dựng đã xác định các tiêu chí lựa chọn chung tới 90/100 điểm; 10 điểm còn lại do địa phương quy định. Nhưng cho đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa ra được văn bản quy định cho 10 điểm còn lại. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân mà bản thân doanh nghiệp đã tham gia thì bị ứ đọng vốn, còn các doanh nghiệp đang đứng ngoài để "nghe ngóng động tĩnh" càng thêm ngại ngần.Điển hình như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khối nhà chung cư cao tầng CT1, CT2 thuộc Dự án khu dân cư Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông do liên doanh Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần xây dựng Vinaconex 21 làm chủ đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, sở dĩ Bộ Xây dựng để lại 10 điểm cho các địa phương tự quyết căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng vùng mà các cơ quan trung ương chưa tính hết. Được biết, Bộ Xây dựng đang xem xét việc khống chế thời gian ban hành văn bản của các địa phương nhằm tạo sự khơi thông cho nguồn cung nhà ở xã hội đang bắt đầu được hình thành từ một số dự án đi tiên phong.

Hiện có ba vấn đề đang gây trở ngại cho việc triển khai chính sách nhà ở xã hội đó là: quỹ đất, nguồn vốn và công tác quản lý nhà ở xã hội. Nếu muốn làm nhà ở xã hội thì cần phải có quỹ đất. Nhưng hiện nay, trong quy hoạch của các địa phương thì chỉ nói chung chung phần đất ở mà không phân định rõ đâu là phần dành cho đất ở thương mại, đâu là phần đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, các địa phương có thể chỉ tập trung vào việc đấu giá đất để thu tiền, chứ không bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội. Ngay cả việc quản lý nhà ở xã hội sau này cũng không hề đơn giản. Vốn dĩ các khâu "hậu mãi" của nhà chung cư thương mại đã đầy rẫy những phức tạp, vậy nên công tác quản lý, vận hành, bảo trì... sẽ càng trở nên khó khăn hơn với nhà ở xã hội do nguồn thu sẽ eo hẹp. Về nguồn vốn, việc huy động vốn từ ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản đang thắt chặt mà các kênh huy động vốn khác lại chưa được thực hiện như quỹ đất đầu tư, quỹ tái thế chấp, quỹ tiết kiệm nhà.

Theo KTĐT
  • 151
  • By Admin
  • 23/07/2010
  • 17