• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở thu nhập thấp: Thí điểm đến bao giờ?

Chủ trương xây nhà giá thấp không phải là mới vì việc thực hiện xây dựng nhà cho người thu nhập thấp đã được nhiều địa phương triển khai từ năm 2001, và năm 2006, chúng ta đã đặt vấn đề xây dựng thí điểm chỗ ở giá thấp với cách gọi là “nhà ở xã hội”.

Ông Đỗ Xuân Anh - GĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Từ năm 2001 đến nay, TP Hà Nội đã quy định các dự án phát triển nhà ở phải dành 50% quỹ nhà ở chung cư bán cho cán bộ công nhân viên trên địa bàn TP, giới thiệu địa điểm xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang. TP đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long thuê, xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê tại phường  Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 2009 đã khởi công xây dựng 800 căn hộ nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Anh thừa nhận, đến nay kết quả phát triển nhà ở cho cán bộ công nhân viên, người thu nhập thấp mới chỉ dừng ở mức độ các mô hình thí điểm, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của các đối tượng lao động mới ra trường, các vợ chồng trẻ, chủ yếu vẫn ở nhà cùng bố mẹ, thuê nhà dân...

Theo ông Đỗ Xuân Anh, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp chưa thoát khỏi “thí điểm” bởi qua các mô hình đã thực hiện và quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp trong khu vực đô thị phát sinh một số vấn đề bất cập như: cơ chế chính sách để phát triển quỹ nhà này, chế tài nhằm giảm thiểu rui ro, đảm bảo an toàn thu hồi vốn cho nhà đầu tư, kinh nghiệm thiết kế cũng như các nghiên cứu sâu về công năng sử dụng, các khu chức năng, tần suất sử dụng khu công cộng, tiêu chuẩn thiết kế, chât slượng công trình, vật liệu hoàn thiện. Đặc biệt, vấn đề về xã hội hoá đầu tư xây dựng, duy tu bảo trì công trình, thu phí, vấn đề quản lý khai thác vận hành, chủ DN sử dụng lao động với đơn vị quản lỹ nhà...

Theo TS. Nguyễn Đình Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, vẫn đề nhà ở nói chung, nhà ở cho người thu nhập thấp nói riêng phải được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với chính sách phân phối thu nhập, tiền lương và việc làm. Thu nhập bình quân theo đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10 -15 triệu đồng/năm, trong khi giá nhà ở trung bình thấp nhất hiện cũng khoảng 300 - 400 triệu/căn với diện tích khoảng 50m2 ( khoảng 6 – 8 triệu đồng/m2). Như vậy, giá nhà ở Hà Nội gấp khoảng 25 – 30 lần thu nhập bình quân theo đầu người 1 năm với điều kiện không tiêu dùng mới đủ tiền mua một căn nhà để ở. Mức giá nhà như vậy nếu xét trong tương quan với mức lương là rất cao so với thế giới (ví dụ, đắt gấp 2 lần so với Bắc Kinh, Trung Quốc).

Vấn đề còn nằm ở chỗ, nhiều người lo ngại, chất lượng nhà chung cư “cao cấp” thời gian qua đã thể hiện nhiều “vấn đề”, huống chi đối với nhà thu nhập thấp. Dạo quanh các đô thị mới đã đưa vào khai thác sử dụng tại Hà Nội sẽ thấy rõ thực trạng quản lý khai thác và giá cả các loại dịch vụ đô thị còn nhiều bất cập. Một số khu đô thị mới, theo thiết kế có đủ hệ thống ôcng trình trường học, bể bơi, câu lạc bộ, trụ sở cơ quan hành chính, hệ thống cấp thoát nước, trong đó hệ thống thoát nước theo quy định là tách riêng nước bẩn và nước mưa... Nhưng thực tế nhiêu khu không có trường công lập, câu lạc bộ biến thành nhà hàng, bưu điện thành nơi kinh doanh, ga thu nước mưa lại bốc mùi... Dư luận mới đây cũng biết đến một vài hiện tượng bất cập như cháy xe ô tô tầng hầm nhà chung cư 17 tầng Cầu Diễn, nước ngập làm hỏng ôtô đắt tiền tại tầng hầm tháp đôi khu đô thị Mỹ Đình I, Từ Liêm,tranh chấp nơi gửi xe tại toà nhà The Manor gần khu thể thao Mỹ Đình...

Trước những nỗi lo như vậy, cộng với những bất cập về cơ chế trong việc quy hoạch, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, câu trả lời: nhà ở cho người thu nhập thấp bao giờ mới đi vào thực tiễn vẫn còn chờ các cơ quan quản lý!

Theo DDDN

  • 0
  • By Admin
  • 03/09/2009
  • 17