• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở công nhân: Sợ “bỏ tiền chẵn, thu về tiền lẻ”

Lý do vẫn là thiếu vốn vay, không có quỹ đất và chủ đầu tư không muốn “bỏ tiền chẵn, thu về tiền lẻ”.

Nhiều ưu đãi nhưng vẫn chậm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Trường Sơn-Trưởng phòng Phát triển nhà - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP (về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị), các dự án nhà ở công nhân được đăng ký và triển khai tăng nhiều so với trước.

Theo nghị định này, việc xây nhà ở công nhân được phát triển theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Khi thực hiện các dự án này, doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, thuế đất, được cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất…

Tuy nhiên, so với việc khởi công sôi động của các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị thì các khu nhà ở công nhân còn chậm triển khai. Nguyên nhân chính, theo ông Sơn, là với mô hình nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị, các chủ đầu tư có thể bán, thu hồi vốn ngay. Trong khi đó, nhà ở công nhân hoạt động theo mô hình cho thuê thu tiền hàng tháng, hàng quý, hàng năm. “Việc này tương tự như việc chủ đầu tư bỏ tiền chẵn để thu về tiền lẻ. Đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang tăng như hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng không thực sự mặn mà” – ông Sơn nói.

Ngoài ra, các dự án nhà ở công nhân còn gặp các khó khăn trong việc vay vốn, tìm quỹ đất… Nếu chính quyền địa phương sớm bố trí quỹ đất, tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp vay vốn… sẽ giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân.

Vẫn phải “bảo tồn” nhà ở công nhân trong dân

Tính đến hết năm 2010, các địa phương trên toàn quốc đã đăng ký xây dựng tổng số 110 dự án nhà ở công nhân với quy mô xây dựng 6.039.898m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 960.264 người. Đến nay có 25 dự án đã khởi công với khoảng 125.000 chỗ ở cho công nhân.
Trong khi nhà ở cho công nhân còn hạn chế thì các hạng mục liên quan đến nơi ở của công nhân như công viên, nhà trẻ, trường học lại càng hiếm hoi. Hiện tại, hầu như chưa một khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô lớn nào hoàn thiện đủ các yếu tố này trong khu nhà ở của công nhân.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định, vấn đề chỗ ở cho các gia đình công nhân khu công nghiệp sẽ được giải quyết bằng con đường nhà ở cho người thu nhập thấp. Bộ Xây dựng và các địa phương đang lên các phương án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cạnh các khu công nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của công nhân

Tuy nhiên, khi cơ chế chưa có để thực hiện chính sách trên thì nhà trọ trong dân vẫn là phương án tối ưu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Hiện tại và tương lai, nhà ở công nhân trong dân vẫn được xác định là một giải pháp quan trọng trong việc đáp ứng chỗ ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Thực tế cho thấy, loại hình nhà ở trọ trong dân có nhiều hạn chế như giá thuê cao, điều kiện sinh hoạt thiếu, chật chội… nhưng điểm mạnh của mô hình này là có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của công nhân.

Vì thế, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, sẽ quản lý nhà trọ dạng này thông qua quy định về điều kiện tối thiểu của một căn phòng cho thuê để chuẩn hóa mô hình này. Ngoài ra, các địa phương hoàn toàn có thể hỗ trợ phát triển mô hình thuê trọ này ở các khâu như: Cung cấp thiết kế mẫu của nhà trọ, hỗ trợ về hạ tầng, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi...

(Theo danviet)

  • 0
  • By Admin
  • 26/04/2011
  • 17