Nhà ở cho thuê: Cần nhắm tới người thu nhập thấp
Theo ước tính, ít nhất 70% số hộ gia đình ở Hà Nội (trong đó khoảng 50% số hộ công nhân viên chức) không có khả năng tích lũy từ tiền lương để mua nhà, xây nhà mới cho mình nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác nhau. Khoảng 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội đang thật sự bức xúc về nhà ở và thành phố cũng chỉ mới có giải pháp cho gần 30% trong số này.Trong khi đó, phân khúc nhà cho thuê chỉ tập trung phần lớn ở khu vực tư nhân, và đối tượng thuê chủ yếu là người nước ngoài vì mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Còn người lao động trong nước thì đang phải thuê nhà do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng với diện tích chật hẹp, không đảm bảo an toàn, chất lượng sống, giá cả không ổn định. Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê tự phát, manh mún không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế, ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Trong bối cảnh đó, một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn đầu tư lĩnh vực nhà cho thuê ở Hà Nội là Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO).
Với phần lớn người lao động, để thuê được một căn hộ cũng là điều rất khó khăn. |
Ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc HACINCO cho rằng, cần thay đổi tư duy lâu nay của người dân về việc sở hữu một chỗ ở riêng cho mình, nhất là trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, với đơn giá cho thuê từ 100.000-200.000 đồng/m2 áp dụng cho các căn hộ từ 50-90m2 vẫn chỉ phù hợp với các đối tượng có thu nhập khá và ổn định chứ chưa thể đáp ứng được cho người làm công ăn lương.
Ông Sỹ lý giải, vì đây là dự án mang tính thử nghiệm, với vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và trong điều kiện thị trường có nhiều biến động, vì vậy không thể đặt nó với nhiệm vụ phục vụ đối tượng thu nhập thấp như các chương trình nhà ở xã hội. Nếu là nhà ở xã hội thì phải có cơ chế nhất định hỗ trợ, doanh nghiệp mới có thể làm nổi.
Đa số các doanh nghiệp xây dựng cho rằng, vấn đề nhà ở cho thuê vẫn chưa thật sự là hướng đi hấp dẫn đối với họ, cụ thể là việc tiếp cận quỹ đất còn rất khó khăn, tiền sử dụng đất cao, vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn lâu. Thực tế hiện nay, chúng ta mới chỉ có chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc thuê mua, còn chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê vẫn thiếu.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm tổng quát hơn, đó là việc Nhà nước cần có một chiến lược dài hơi với các chính sách phát triển nhà cho thuê đồng bộ, từ khâu giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đến quản lý vận hành các dự án khi đã đi vào cho thuê, làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của đô thị.
Cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để đa dạng hóa các nguồn lực vào thị trường này, tuy nhiên sự tham gia của khu vực công vẫn là yếu tố then chốt với sự thành công của quy hoạch, cung cấp, vận hành, duy tu cơ sở hạ tầng...
Hiện Luật Nhà ở đã có quy định về khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê, nhưng Nhà nước lại chưa có một chính sách cụ thể để điều chỉnh vấn đề này. Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ chuyển từ việc nghiên cứu, xây dựng Đề án về nhà ở cho thuê sang nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê sao cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà ở này.
Dự kiến, Nghị định sẽ dành hẳn một chương để quy định toàn bộ các vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở cho thuê. Mặt khác, Nghị định sẽ cụ thể hóa cơ chế ưu đãi cho các đối tượng tham gia phát triển nhà ở cho thuê nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho thuê, đáp ứng nhu cầu của số đông người lao động...
(Theo CAND)
- 124
- By Admin
- 27/02/2012
- 17