• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở cho người thu nhập thấp: Giấc mơ còn dài

Hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn
 
Làm thế nào để đối tượng thu nhập thấp có thể tiếp cận quỹ nhà dành cho chính họ. Ông Nguyễn Huy Đức, Viên nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, người mua nhà nên trả trước 20- 30% giá trị căn hộ. Số còn lại sẽ trả góp trong thời hạn 10- 15 năm với tỷ lệ lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Đương nhiên, căn hộ sẽ được thế chấp để có thể ký hợp đồng vay tiền ngân hàng. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải giải pháp cho đa số bởi rất nhiều hộ gia đình dù rất khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng tài chính để chi trả một lúc số tiền 20-30% giá trị căn hộ hoặc chi trả tiền góp hàng tháng. Vậy tiền, vốn sẽ lấy từ đâu để xây dựng quỹ nhà cho các đối tượng này trong khi nguồn có thể huy động từ Nhà nước và chủ thể có nhu cầu đều rất thấp?!

Theo các chuyên gia, việc tiếp cận các nguồn tín dụng của hộ có thu nhập thấp có nhiều hạn chế. Chủ yếu các hộ gia đình này chỉ được vay vốn với mục đích phát triển sản xuất hoặc đáp ứng các khoản chi đột xuất. Tuy tỷ lệ hộ được vay vốn cao (35,815 so với mức chung cả toàn TP là 15,835), song trị giá các khoản vay rất nhỏ (trung bình 7,78 triệu đồng/hộ/năm so với bình quân toàn thành phố là 15,2 triệu đồng/hộ). Trong khi đó, ước tính chi phí để xây dựng 1m2 nhà chung cư bình quân ở Hà Nội hiện nay hơn 3 triệu đồng, và cho 1m2 nhà kiên cố khác trên dưới 2 triệu đồng. Như vậy, các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp khó có khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng để sửa chữa lớn hoặc mua, xây dựng mới nhà ở.

Do thu nhập kém ổn định, khả năng tích lũy không có, nên chi cho nhà ở chỉ có 490 nghìn đồng/hộ, chủ yếu cho hoạt động sửa chữa lớn. Trong khi đó, mức bình quân chung toàn thành phố là 7,185 triệu đồng/hộ (mua mới là 2,958 triệu đồng, xây mới: 2,758 triệu đồng và sửa chữa lớn: 1,469 triệu đồng).

Cơ chế ưu đãi và thu hồi vốn
 
Là một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, nhưng khi nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH- KT cho rằng, vấn đề chính để giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp là giá thành, cơ chế ưu đãi và thu hồi vốn.

Riêng về giải pháp tài chính, theo ông Nghiêm, ngoài việc Nhà nước ban hành chính sách giành nguồn vốn ưu đãi cho xây dựng nhà ở khuyến khích mọi thành phần kinh tế được thuê đất với giá ưu đãi khi xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thì cũng cần thành lập quỹ phát triển nhà ở của cả nước, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc một địa danh nhất định. Đồng thời, có chính sách thu hồi vốn từ kinh doanh nhà ở cho người thu nhập cao điều tiết thích hợp cho vốn xây dựng nhà ở thu nhập thấp. Đối với các chung cư cũ nguy hiểm cần được phá dỡ, lựa chọn quy mô tối ưu để đảm bảo đồng bộ lợi ích của người sử dụng, nhà đầu tư và của nhà nước để tăng quỹ nhà ở. “Bao trùm hơn cả là sớm ban hành chiến lược quốc gia về nhà ở, hình thành cơ quan phát triển nhà ở từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh”- ông Nghiêm chốt lại.

Tiết kiệm 20 năm mới đủ tiền mua nhà
 
Trong hàng loạt các khu đô thị mới vừa được xây dựng như Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình... đều tính đến tỷ lệ nhà ở để bán cho người nghèo. Nhưng sự thực là người nghèo không thể mua nổi những căn hộ này. Nguyên nhân thật đơn giản là bởi vì giá đất ở các khu đô thị này rất đắt, từ 6- 10 triệu đồng/m2. Và để có được mảnh đất khoảng 30m2 ở Từ Liêm, Thanh Trì hoặc Gia Lâm rồi xây nhà 3 tầng, thì cũng phải bỏ ra ít nhất 5 trăm triệu đồng. Trong trường hợp chọn mua nhà chung cư, giá cũng không rẻ, thường dao động từ 500 triệu tới 1,5 tỷ đồng. Nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên và tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, thì phải mất tới 20 năm để mua được căn hộ ở mức giá thấp nhất.

Rõ ràng, khi chưa đưa ra được giải pháp nào để gỡ nút thắt “nguồn vốn”, việc sở hữu một căn nhà đối với người thu nhập thấp vẫn mãi mãi chỉ là giấc mơ...

  • 0
  • By Admin
  • 05/09/2007
  • 17